One day when we were young

.
Serenade
của Franz Schubert có lẽ là được người Việt biết nhiều nhất, là vì được phổ lời Việt thành bài hát hấp dẫn. Còn rất nhiều bản Serenade (Serenata theo tiếng Ý) khác của các nhạc sĩ nổi tiếng khác: Mozart, Brahms, Richard Strauss, Toselli.

Có hai lời Việt đặt cho bản này, một là Dạ khúc của Phạm Duy thịnh hành ở miền Nam và một chưa rõ của ai ở miền Bắc với tên là [Khúc] nhạc chiều. Hai lời đều tinh tế, uyển chuyển, nhưng khác nhau ở cách đặt chữ Việt. Lời của PD đáng chú ý là ngắt câu ở chỗ luyến, kiểu vắt dòng trong thơ:
Chiều buồn nhẹ xuống
đời. Người tình tìm đến

người. Thấy run run trong chiều phai

Vẻ sầu của đóa

cười. Tình bền của lứa
đôi. Thoáng hương trong chiều rơi.

hoặc
Tình đời tỏa ngát
mầu. Chiều này là lúc

đầu. Nói với nhau nghe đời sau
Dịu dàng người đắm
sâu. Kể lể chuyện kiếp
nao. Có ai chia lìa nhau.
Cái nghịch đấy lại là nét chủ đạo của câu nhạc trong bản Serenade của Schubert. PD đặt các câu 5 chữ vào các cụm bốn nốt dồn rồi luyến sang cụm sau, cứ đuổi bắt để lặp lại chủ đề.
Bản ở miền Bắc lại là:
Đợi chờ em,
anh ngỏ lời ước nguyện

Đến bên em trong màn đêm

Cảnh rừng vắng
nơi mộng chiều lắng
Tiếng ca yêu đương đang chờ mong

Kìa trong lá,
tiếng ru như thì thầm
Chim làm xao xuyến trăng thanh
Chim làm rung trái tim anh

Bản này cũng đòi hỏi người hát phải luyến nối chữ "nguyện-đến", hoặc nối rất nhanh chữ "thầm" sang "chim". Thay vì đặt đều câu 5 chữ thì ở bản này khá thoải mái khi phối hợp tăng dần câu từ 3-5-6 chữ.
Nhưng quan trọng hơn là tinh thần lời. Bản của PD xem ra khá bi thương và buồn bã, nhạc chiều như là nhạc buồn, nhạc sầu:
Ru người qua chốn thương đau
Cho làn nước mắt chìm sâu

Trong khi bản kia kết thúc khá tươi sáng:
Trái tim anh như biển dâng sóng trào
Hỡi nàng xuân ngát hương đời

Anh chờ em hát cùng anh

Khúc ca ban chiều.

Chú ý là lời này không có những từ như "kiếp", "đau", "buồn", "úa phai mầu", "phụ nhau" (những từ mà mỹ học XHCN không thừa nhận - dĩ nhiên lý sự thế này thì hơi võ đoán, vì chưa kiểm chứng được nguồn gốc của lời "lạc quan") như bài của PD:

Đợi chờ em, anh ngỏ lời ước nguyện

Đến bên em khi chiều buông.

Cảnh rừng vắng, nơi rừng chiều lắng

Tiếng ca yêu đương đang chờ mong.

Kìa trong lá, thoáng nghe lời thì thầm

Chim làm xao xuyến trăng thanh

Chim làm rung trái tim anh.

Nào ai thấy, ai nghe được nào

Tình ta hoà trong ánh trăng sao

Yêu là ta đến tìm nhau.

Để lòng anh vươn cánh vút bay lên

Ngời trong ánh trăng thanh

Trái tim anh đang như biển dâng sóng trào

Hỡi nàng xuân ngát hương đời

Anh chờ em hát cùng anh

Khúc ca ban chiều.

Nên dễ hiểu vì sao lời ủ ê và sầu não của PD lại không phổ biến ở miền Bắc dù ra đời từ năm 1948. Cá nhân tôi vẫn ấn tượng với lời còn lại, vì cảm giác trong trẻo mà tôi vẫn gắn với ấn tượng về không gian nhạc cổ điển, thời đọc những tiểu thuyết đầy bác ái của chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Có thể vì tôi có ấn tượng rằng cảnh trí của lời ca vẽ ra phải tương hợp với một nơi thần tiên, những rừng bạch dương như tranh Levital hay Constable, hoặc những nhân vật tinh tế kiểu của Brontee hay Tolstoy, hơi một chút là run run vì xúc động.

Một ví dụ khác tương đồng là các lời cho bài Torna A Surriento. Có nhiều bản lời Việt, nhưng hiện tại cũng chỉ còn hai bản được hát nhiều là của Phạm Duy (Trở về mái nhà xưa) và Trung Kiên (?, Trở về Surriento). Hai bản này phản ánh chính xác vấn đề mà Serenade đã gặp - sắc thái cảm xúc khác hẳn nhau. Bản của PD với những tính từ đậm đặc nỗi sầu muộn và tiếc nuối quá khứ:
Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan

Về đây nhé cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đàn...

Bản của Trung Kiên mang sắc thái đồng quê, như khúc du ca vui vẻ sáng rực dưới nắng. Xem qua 2 lời tiếng Anh song song tiếng Ý thì xem ra cũng là lời nhắn nhủ với người yêu/bạn cũ, cũng không nhiều "não từ" lắm (grieve, break, có bản có chữ die). Bản tiếng Việt của TK không rõ có dịch theo lời này không, nhưng cũng có diễn tiến tâm lý tương tự: mô tả cảnh trí biển sóng - cảnh đồi núi xinh tươi - lý do để không bỏ đi - gọi quay về. Nói chung là logic biện chứng!
Biển hiền hòa lớp sóng đẹp bao la
Lòng ta như rộn vang ngàn câu ca

Cả đất nước xinh tươi như mộng đời

Chan chứa trong tâm hồn bao người

Khắp trên đồi cây cối mọc xanh tươi

Khắp trong vườn ánh sáng tràn nơi nơi

Tình quê hương ngát trong lòng hương say

Lòng ta khó quên được chốn này

Nếu ta từ biệt đất này đi xa

Khác chi từ biệt với người yêu ta

Phải xa chốn quê hương đã nặng thề

Ai lẽ đâu không mong trở về
Xin hãy về người ơi

Để cho nhớ nhung trong lòng hoài

Trở về Surriento

Hãy về người ơi.

Cách đây một dạo, có nghe trên mạng một ca sỹ tên là Bùi Thiện ở Sài Gòn trước 1975 hát bài 'O Sole Mio với lời Việt là "Mặt trời của tôi" vốn được phổ biến ở miền Bắc và phong cách biểu diễn bel canto kiểu thanh nhạc Hà Nội tương tự như Trung Kiên, Trần Thụ. Thì ra bác này vốn học ở trường nhạc HN, vào bộ đội là văn công, rồi vào chiến trường thì cả trung đoàn bị bắt năm 1968 - trong đó có cả Đoàn Chính, con trai Đoàn Chuẩn. Sau khi "hồi chánh" thì hát cho đài Sài Gòn, trở thành cây song ca quen thuộc cùng với Sơn Ca.

Bây giờ, phong trào đặt lời Việt không còn rầm rộ, nhưng lâu lâu cũng có hit, nhất là các bản cho các bài không phải tiếng Anh. Hồi năm 96-97 có một đợt, với Unbreak my heart hay My heart will go on, Lemon tree... Hay là Bình minh sẽ mang em đi, Ôi tình yêu, Tình nhạt phai, cũng đủ món. Vấn đề quan trọng có lẽ là bản quyền vì VN đã tham gia Công ước Berne, nên bây giờ không rõ hát lời "Chuyện tình" của Phạm Duy trên nền nhạc Love Story thì tác quyền cho Francis Lai thế nào. Còn nhớ ba bốn năm trước, LS Cù Huy Hà Vũ đòi kiện êkip Dương Thụ - Anh Quân - Mỹ Linh vì khai thác sai tinh thần của "Mozart and friends" trong đĩa "Chat với Mozart". Tuy vậy các ông lớn kia đã chết vài thế kỷ rồi, có làm chứng được đâu.

Nhưng cá nhân tôi không thấy ấn tượng mấy với đĩa nhạc đó. Lý do quan trọng có lẽ là từ khi bắt đầu lọt vào tai thứ nhạc này, tôi ấn tượng rằng một bản nhạc cổ điển được diễn dịch sang ca khúc thường có màu sắc trịnh trọng, nuột nà, đoạn nhạc láy đi láy lại dễ thuộc, vốn cũng là thứ mà nhạc tiền chiến đi theo. Nghĩa là một bài hát được sinh ra này phải như một câu chuyện, một nỗi niềm có tính kịch (kiểu lấy từ opera hay operette), chứ hơi khó cảm thụ khi chỉ mô tả một cảm giác thoáng qua như style của Dương Thụ. Tuy cũng là cảm giác trải qua trong một ngày xuân, nhưng "Khúc hát thanh xuân" mà Phạm Duy hay "Một sớm mai xuân" của Nguyễn Tất Nhiên đặt lời cho bản “Wer uns getraut” (nghĩa: "ai đã thành hôn cho chúng ta", theo một số cao thủ tiếng Đức như bạn Loan Tinker) của Johann Strauss, "One day when were were young" là lời tiếng Anh, đều khai thác triệt để cái khung cảnh kể chuyện, dẫn dắt tới cao trào và theo điệu Valse nhịp nhàng - thứ dễ chinh phục người Việt (một thời).
.

Nhận xét

TRẦN KHẢI XUYÊN đã nói…
"tôi ấn tượng rằng một bản nhạc cổ điển được diễn dịch sang ca khúc thường có màu sắc trịnh trọng, nuột nà, đoạn nhạc láy đi láy lại dễ thuộc, vốn cũng là thứ mà nhạc tiền chiến đi theo"

Dĩ nhiên chúng ta muốn âm nhạc ngày càng phong phú hơn, "nhạc tiền chiến" lẽ dĩ nhiên cũng có những khuôn mẫu nhất định. Nhưng nói như thế này thì e rằng chúng ta chưa hiểu cái gia tài chúng ta đã có!

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm