Giờ thì họ đã lớn
Tập tành làm nhà phê bình văn học trẻ duy nhất lần này thôi. Góp vui ủng hộ cho các bạn viết lách. Còn nhiều tên tuổi nữa nhưng tôi chưa có điều kiện đọc hết hoặc là không nhắc đến dù yêu thích do khuôn khổ bài viết (đăng trên Nhịp sống Sài Gòn, 8-9.2009).
...
GIỜ THÌ HỌ ĐÃ LỚN
Đọc gì ở văn người tuổi ba mươi?
Gần đây, những tác phẩm văn học được xem là trẻ lại gây rập rình. Mặc dù vẫn chỉ được xem là hạng hai so với văn học dịch như lời tự nhận của một tác giả trẻ, độc giả cũng vẫn muốn đọc cái gì đó của một người Việt trong thời đại này. Thường thì những lao xao của chúng gây ra chủ yếu là bối cảnh đô thị, những loại “vết thương thành thị”, nơi có thị trường và bạn đọc đông nhất của họ. Có gì để đọc từ đó?
CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ
Đại bộ phận các truyện và tiểu thuyết mang tính tự truyện. Thực ra phải có sự phân loại ở đây, những tác giả có tham vọng thường dấn thân vào tiểu thuyết. Ở đấy, họ nhập vai, một mình đóng cả ba vai chèo, đôi khi nhân vật của họ na ná phong thái kiếm hiệp, chỉ một cú chưởng là hiểu thấu tâm can nhau, như thể có mối dây liên tưởng ngầm đã đặt sẵn. Nhân vật của nhà văn trẻ không xung đột nhau vì khác nhau mà vì giống nhau quá, từ cái giống của sự nhàm chán đến cái giống của sự biến đổi.
Thời của những truyện ngắn tinh giản kiểu Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh hay luận đề kiểu Nguyễn Huy Thiệp đã được đẩy sang hướng những trải nghiệm ẩn ức bản năng trong những truyện cỡ vừa dài hơi. Cấu trúc lỏng lẻo hơn, có chuyện lan man chỉ kịp lướt qua một cảm xúc. Các câu văn có vẻ dễ dãi hơn, xô đẩy nhau hơn. Có nhà phê bình trẻ theo lối biên tập kinh điển, có thể ngồi nhặt sạn ra vô khối trong quyển tiểu thuyết ăn khách của tác giả trẻ Đặng Thiều Quang (Đảo cát trắng, Bóng giai nhân). Nhưng không ai đi nhặt sạn những ẩn ức, cũng như cái sự triết lý người-đàn-ông-mới-lớn đầy rẫy trong các tác phẩm của các tác giả trẻ khác như Dương Bình Nguyên (Giày đỏ), Trần Nhã Thụy (Sự trở lại của vết xước). Các nhà văn nữ thì đeo đuổi những khám phá có tính trí tuệ, chiêm nghiệm và đề cao tính độc lập thay vì cảm hứng tính dục nữ phái như cách đây vài năm. Nổi bật là Phan Việt (Tiếng Người; Nước Mỹ, nước Mỹ) với ý thức viết chủ ý tạo sự khô, lạnh mà chất chứa tâm sự. Người ta có thể cho rằng có sự ảnh hưởng của các tác giả lớp trước hay nước ngoài đến văn phong của các tác giả trẻ, thậm chí có người bị xem là “thuổng” nhưng xét cho cùng, đây là câu chuyện của mọi thời!
Năm năm gần đây, câu nhận xét “nhà văn ăn mình” được dùng để đánh giá nhà văn trẻ. Không gian truyện quanh quẩn, pha chế những góc nhìn lạ về các nhân vật kiểu “người đi qua đời tôi”. Công thức tương đối phổ biến là một quan hệ ngoại tình hoặc có màu sắc cấm kỵ, các nhân vật không hấp dẫn ngoại hình thì cũng tỏ ra có năng lực tính dục mạnh. Nhưng có cách nào đọc vị một thế hệ, chắc người ta vẫn nhất trí rằng văn học trẻ là đáng để ghi nhận, bên cạnh loại nhạc trẻ hay những loại hình nghệ thuật đương đại cũng đang làm giới hàn lâm phân vân vì đặc tính không “ra tấm ra món” của chúng.
ĐỌC ĐỂ TIÊU KHIỂN
Không phải các tác giả trẻ viết bất chấp hoặc không ý thức rằng những gì mình viết đang đứng ở đâu. Trước hết, họ là những người chịu khó đọc và nói như nhà văn Phạm Thị Hoài, không cho mình cái quyền không biết thế giới ra sao. Nhiều nhà văn trẻ có trình độ học vấn tốt, là du học sinh, với sự nhạy cảm có sẵn của một người trí thức trẻ, họ đối diện với một thế giới khác với cha anh. Bối cảnh trong một loạt tập sách là ở những nơi ngoài VN như Mỹ (ngoài hai tập của Phan Việt còn có Chuyện tình New York của Hà Kin), Nhật (Lần đầu tiên của Nguyễn Nguyên Phước), Anh, Pháp (Oxford thương yêu, Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình của Dương Thụy)… cho thấy vấn đề địa lý không còn là rào cản. Tuy nhiên, tham vọng chưa đủ để dòng văn học này định hình một phong cách hay kỹ thuật viết cho dù thấp thoáng qua một số cây bút như Nguyễn Thị Thanh Phượng (học ở Pháp).
Điều khả thi nhất mà các cây bút trẻ đem lại là thái độ dùng văn chương để trở thành sản phẩm có tính hấp dẫn độc giả. Khi họ viết thoải mái, không gồng mình nặng nề, họ thành công với thị trường hơn là nỗ lực diễn đạt triết lý cầu kỳ. Mối bận tâm của độc giả trẻ - những người chủ yếu đọc văn trẻ - là những hỉ nộ ái ố, những cái phao vừa lạ lẫm nhưng vừa đủ quen thuộc. Thực tế những nhà văn thế hệ 7x, 8x vào đời bằng một loại văn hóa phổ thông du nhập từ thời đổi mới - truyện của Harold Robins, Sydney Sheldon, những cuộc đổ bộ của phim Hollywood sau thời phim Xôviết. Đọc truyện của những cây bút Hương đầu mùa hay Mực Tím một thời, dễ nhận ra đấy là hình ảnh phóng chiếu những môtíp người hùng, giai nhân, những quan hệ tình cảm thông thường, sáng sủa, được viết trong ngôn từ Việt “cải cách giáo dục”.
Có lùa nhân vật vào Công ty (Phan Hồn Nhiên) hay ra Đảo cát trắng, họ vẫn chung một cảm thức khá “đỏm dáng” – tâm tình có vẻ “hậu hiện đại” của gái văn phòng, trai chứng khoán, những kẻ có xe, có nhà, có các thứ nhưng tất cả chỉ chực rã rời như đòi thay đổi - những cái “mã” bắt mắt và hợp thời. Ở tuổi 30, thế hệ này căn bản xác định được rằng: họ đã thành công với tiêu chí “viết và đọc để tiêu khiển”. Nếu ta ý thức rằng, ở một đất nước 86 triệu dân mà số ấn bản của một đầu sách văn học trẻ bán chạy không quá nửa vạn thì những nỗ lực của họ là đáng ghi nhận.
NGÀY MAI CỦA NHỮNG NGÀY MAI
Đó là tên một tập sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, một gương mặt tuy cùng lứa tuổi nhưng các tác phẩm nổi bật của chị lại không chia sẻ mạch văn hay không khí truyện của số đông tác giả “văn học tuổi hai mươi”, “tác phẩm tuổi xanh” hay “hương đầu mùa”, vì chị chọn bối cảnh nông thôn. Tuy nhiên, với tác phẩm gần đây nhất, Gió lẻ, người đọc nhận thấy cây bút này đã “đô thị hóa” cả về bối cảnh, nhân vật cho đến chất văn, dẫn tới có những điểm tương đồng với số người viết trẻ ở thành phố. Những cây bút cũng không dừng lại ở những vấn đề loanh quanh cá nhân, có thể thấy ở Nguyễn Vĩnh Nguyên, và cả Phan Việt, những kiến giải về cuộc sống có tính luận đề, nhưng thành công của họ nếu có được vẫn là phẩm chất nhạy cảm của người trẻ trong xung đột với đời sống, tạo nên cái “thương tích” lấp lánh đầy mới mẻ chỉ tuổi trẻ mới có.
Đô thị hóa mọi mặt đời sống cuốn hút giới trẻ hướng về ánh đèn thành phố, và văn học trẻ cũng không ngoại lệ. Xét cho cùng, nhu cầu có một lứa nhà văn ăn khách, một kiểu các cây bút thời thượng, hợp thời trang, lúc nào cũng có. Đấy cũng là cái nền chung của văn hóa đô thị. Chỉ khi cái nền đó phát triển có sức sống, những thứ đặc sắc hoặc phức tạp hơn, đạt được những tiêu chí được giới phê bình đánh giá cao, mới nảy sinh vững chắc. Người ta hay viện dẫn những thành quả của các thế hệ trước, nhưng ít khi nhận thức rằng đó là kết quả của cả một quá trình. Một cây bút như Đặng Thiều Quang biết cách kể chuyện lôi cuốn, nhưng nếu anh học hỏi Di Li - một cây bút nữ - dẹp bỏ những triết lý không tới đâu sang một bên, theo đuổi lối viết phiêu lưu pha tình ái mà nghiêm túc, kết quả sẽ còn hứa hẹn hơn. Diễm tình hay sex không phải là dành cho văn hạng hai, đơn giản là văn học Việt Nam vẫn cần cung cấp cho người đọc những niềm hưng phấn của phiêu lưu, của giả tưởng và chuyện thâm cung bí sử tình dục - thứ mà đạo đức truyền thống thường giấu dưới gầm giường hay đáy tủ.
Nguyễn Trương Quý
.
Nhận xét
Nhưng "gây rập rình" nghĩa là sao nhỉ?