Hậu Đình Hoa và Vũ Như Tô

.
Thế nào mà lẩm nhẩm lại cái bài Tình cầm do Phạm Duy phổ thơ Hoàng Cầm có câu:
Nhưng thuyền em buộc trên sông hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
thì lại nhớ ra mấy câu thơ của Đỗ Mục, bài Bạc Tần Hoài:
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
Khương Hữu Dụng dịch:

Đỗ bến Tần Hoài

Nước lồng khói tỏa, cát trăng pha,
Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia.
Con hát biết chi hờn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu Ðình Hoa.

Mình lại nhớ mang mang hai câu cuối có ai dịch theo kiểu này (hay là mình pha chế rồi):
Gái tơ không biết hờn vong quốc
Còn đứng bên sông hát Hậu Đình.
Thích kiểu này hơn vì chữ Hậu Đình (trắc-bằng) kết bài nghe rợn hơn, nhất là thanh trầm để đối lại vong quốc (bằng-trắc) có xu hướng đi lên. Thực ra bản của Khương Hữu Dụng quá sát rồi, chỉ có điều chữ "vong quốc" nghe đẫm mùi sử ký hơn.

Nhưng rõ ràng là chữ "hận" nối hai câu thơ lại với nhau trong trường liên tưởng của mình. Không lý giải được, nhưng với mình nó mang yếu tố ornament hơn (sông hận dễ bị suy diễn lắm!).

Rồi cũng mới ớ ra là "Tần Hoài" là tên con sông, là nơi có cái bến, có cái lầu, các nàng cung nữ của vua Trần Hậu Chủ thời Nam Bắc Triều, hát khúc Hậu Đình Hoa do ông này soạn ra. Khỏi mất công truy nguyên điển cố, đại khái ông này với các cung nữ, có hai nàng Khổng Qúy Tần và Trương Lệ Hoa giỏi thơ xướng cầm ca được yêu vì, mê đắm quá nên đến nỗi mất nước. Cao trào là có bài Hậu Đình Hoa, soạn để hát như sau:

Lệ vũ phương lâm đối cao các
Trân trang điểm chất bản khuynh thành,
Ánh hộ ngưng kiều sa bất tiến,
Xuất duy hàm thái tiếu tương nghinh.
Yêu cơ kiểm tự hoa hàm lệ,
Ngọc thu lưu quang chiếu Hậu Đình.


Nghĩa:
Bóng rợp hương thơm chốn lâu các,
Nghiêng thành vẻ đẹp với mầu tươi.
Ngoài cửa dịu dàng khoan dạo bước
Trước màn chào đón mỉm môi cười,
Má hồng tựa đóa hoa đầy móc
Cây ngọc sân sau chiến sáng ngời

(Bản dịch của Phan Thế Roanh)

Nhà Hậu Trần mất nước về nhà Tùy, cho là vì khúc hát gây họa kia. Nhưng các văn nhân thi sĩ đời sau lại lấy tích đó trang trí cho thơ ca:

Vua Trần hậu chúa ngắm trăng vàng,
Khúc Hậu Đình Hoa đang lên khơi
(Nhị Hồ - Xuân Diệu)

Thuyền mơ trong khúc Nam Ai
Đàn khuya trên sông ngân dài
Ai luyến ai tiếc khúc ca Tần Hoài
(Đêm tàn Bến Ngự - Dương Thiệu Tước)

Nhớ đến vở Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, có đoạn khi vua Lê Tương Dực bị giết, các cung nữ nhốn nháo xin tha chết. Vở VNT của Nhà hát Tuổi Trẻ diễn do Phạm Thị Thành đạo diễn có xây dựng hình tượng nhân vật cung phi do Lan Hương đóng nói giọng trọ trẹ kiểu người miền Trung (như kiểu Thuận Quảng Ô Lý, chắc có hơi hướm Chiêm Thành) là sáng tạo khá thú vị (vì hình như kịch bản gốc không nói rõ là cung phi xuất xứ gì). Vai Đan Thiềm của Lê Khanh vốn là đào chính nên được chú ý nhiều, nhưng vai cung phi của Lan Hương thực sự sống động nhất, từ ngoại hình đến giọng điệu. Quay lại chuyện so sánh với tích Tần Hoài, thì sau khi Tương Dực bị giết, Vũ Như Tô bị trảm, Đan Thiềm bị ép uống thuốc độc, cung phi lại được dùng để phục vụ triều chính mới (sau khi đã tố cáo Đan Thiềm tư thông với Vũ Như Tô). Các nàng lại hân hoan khúc khải hoàn vui tai.

Chính ra người ta mà mạnh dạn sử dụng cái kết ở đây lại có những cái ý vị châm biếm sâu mà hiện đại hơn là dùng cách để Vũ Như Tô đứng trân trân như Từ Hải, rồi có giọng thuyết minh "Vũ Như Tô phải hay không phải?" Tất nhiên phong cách Nguyễn Huy Tưởng là chính kịch và thích nói về cái bi tráng. Nhưng cũng không phải là không thể nếu như người ta làm đậm hơn sự so sánh: giữa cái giải trí của các nàng cung nữ hát Hậu Đình với cái giải trí của kiến trúc Cửu Trùng Đài, cùng cho một đối tượng vua chúa, thì cái nào phù phiếm hơn cái nào? Hoặc có khi cái khúc hát kia lại tồn tại đến tận bây giờ mà các đền đài có khi đã đổ nát. Cái nào vô nhân đạo hoặc vong quốc hơn cái nào, giữa những khúc ca ru ngủ và những di tích vật chất thực sự có khả năng thành di sản nhân loại. Nếu vở kịch nói được cái tính hư vô của nghệ thuật - có lẽ mang tính đương đại hơn là bám vào cái khía cạnh mâu thuẫn giữa nghệ thuật vị nhân sinh quảng đại với cho một thiểu số cầm quyền - vốn dĩ là đương nhiên (nhà giàu, nhà thờ và nhà chùa mới có khả năng xây dựng cho to đẹp - các di sản hoành tráng, các trường đại học lớn nhất đều đi theo ngạch này đấy thôi!).
.

Nhận xét

Chu Chu đã nói…
Hình như có một bài ca trù tựa là Tần Hoài Dạ Bạc đúng không bác?
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Chính là bài Bạc Tần Hoài này đấy.
Nguyễn Xuân Diện đã nói…
Bài viết rất thú vị! Ah, bài ca trù nào vậy, xin tiên sinh chép hết ra đi. Nó là bài thơ dịch? hay là một bài hát nói?
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Cái này em chỉ biết bài thơ thôi :-( Nhưng thơ tứ tuyệt hát nói thì có ghép với bài khác không anh Diện?
Ví như em thấy mưỡu (có phải không nhỉ) của bài ca trù Tỳ bà hành là mấy câu của bài Thu hứng, nguyên tắc đó như thế nào?

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm