"Cứ hộc lên"

.
Lại chuyện tên cho nhân vật, hay là tên của mọi người trong ngữ cảnh văn hóa. Thường tác giả đặt tên cho nhân vật cũng như cha mẹ đặt tên cho con cái, nhưng đã là sáng tác thì chắc phải công phu hơn.

Cuốn Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường là cuốn sách làm tôi chán ở cái lẽ: tên nhân vật đặt quá khó nhớ cho người đọc. Từ cụ kỵ đến cháu cứ dây chuyền cái tên lục cục: Nguyễn Kỳ Viên, Nguyễn Kỳ Khôi, Nguyễn Kỳ Vọng, Nguyễn (thị) Kỳ Hậu, Nguyễn Kỳ Tác, Nguyễn Kỳ Vỹ, rồi Nguyễn Kỳ... Cục (tức Nguyễn Kỳ Quặc). Đấy là những cái tên mang dấu ấn thừa hưởng từ "trước cách mạng". Còn có cách mạng, tên nhân vật cũng chẳng dễ đọc hơn: Chiến Thắng Lợi, Chiến Thống Nhất. Các nhân vật nữ thường được tả theo gu khá là cổ:
Lúc ấy thầy tiểu đang vớt bèo dưới ao, chỉ nhìn thấy dáng người phía sau, một eo lưng thon mềm, mông nở căng sau bộ nâu sồng, và đặc biệt khêu gợi là hai bắp chân trắng ngần thon lẳn. Khôi giả vờ bẻ một cành khô đánh động. Thầy tiểu giật mình quay lại. Trời ơi, tiên nữ thế kia mà nỡ trốn vào chùa, có phí hoài không?
...Rất may, Khôi nhìn thấy mấy viên ngói vỡ gần nóc. Trườn tới dỡ viên ngói nhòm xuống. Khôi bỗng bàng hoang phát hiện ra một cảnh lạ lùng; Tiểu Hiên đang nửa nằm nửa ngồi trên nắp chiếc vại đựng khoai khô, trong một tư thế gần như khoả thân, khăn áo nâu sồng vứt dưới chân, mái tóc đang mọc lởm chởm bết mồ hôi, ôm lấy gương mặt đỏ bừng vừa như đang rất đau đớn, vừa như đang ở đỉnh điểm thoả mãn, khoái cảm. Kỳ lạ nhất là đôi bàn tay. Một tay nàng xoa bóp bầu vú, như mơn trớn, như vày vò, tay kia đang cầm một vật gì đó kẹp chặt giữa đùi. Càng kẹp, nàng càng quằn quại, rên rỉ. Cố kìm nén mà tiếng kêu của nàng cứ hộc lên…

Thoại của nhân vật thì lâm ly như truyện Tự lực văn đoàn:

- Bướm? Đúng Bướm thật rồi. Em còn đẹp hơn cả ngày xưa.
- Chào ông đồn trưởng. Ông nhầm rồi. Cái tên Bướm đã chết từ lâu rồi.
- Nhầm sao được, em Bướm. Anh đi tìm em suốt hơn mười năm qua. Ha ha, Ni sư Thích Đàm Hiên, rồi nữ Việt Minh Đào Thị Cam và cô thiếu nữ Chu Thị Bướm chỉ là một. Không ngờ trái đất tròn, để chúng ta có buổi gặp gỡ hôm nay.
- Ông đồn trưởng quá giàu trí tưởng tượng. Ông định nói đến cô Chu Thị Bướm nào vậy?
- Kìa Bướm, em đừng đóng kịch nữa. Con của chúng ta đâu? Suốt những năm qua không lúc nào anh không đi tìm mẹ con em…

Bỏ qua những Cục, Quặc, Cam, Bướm... chuyển sang những cái tên khác tân tiến hơn vậy. Hôm nọ xem phim Enchanted, chợt nhận ra cái tên Giselle là cái tên nổi bật trong vở ballet cùng tên dựa trên bài thơ của Heinrich Heine. Đại khái nghe Giselle như thể từ truyện cổ tích bước ra. Hay cái tên Rapunzel, cô gái bị nhốt trong tháp ngà trong truyện cổ Grimm. Giselle, Anastasia, những cái tên trở thành phổ biến trên thế giới, không giới hạn nước, mặc dù Anastasia gây cảm hứng chủ yếu từ tên của cô công chúa của vị Sa hoàng cuối cùng. Trước đây, mình cứ nghĩ Natalia là tên Nga, nhưng hóa ra biến thể của nó đầy các nước: Nathalie, Natalie... hoặc Katerina thì có một dãy: Catherine, Katherina, Katharina, Cate, Kate, Yekaterina, Ekaterina... Nói chung các bà hoàng ông vua có công làm sang và phát tán những cái tên của con cháu mình ra khắp thế giới phương Tây, và ra cả những nước Latin nữa. Ví dụ, Anastasia là cái tên được dùng
để đặt cho bé gái mới sinh nhiều thứ 80 ở Chile năm 2006.

Có một số nền văn hóa mà khi đọc tiểu thuyết của họ, tôi không hề có được khái niệm gì về cái tên như Nhật, Hàn (mặc dù có thể dịch ra tiếng Việt). Các nước khác chắc càng mờ mịt hơn. Đọc Haruki Murakami hay xem phim Nhật, cái tên nhân vật gần như ít đánh tín hiệu cho tôi. Còn Hàn Quốc thì xem phim truyền hình, Kang Se Hwo hay là Min Su thì... cũng như Gỗ, Gạch, Xi Măng.

Với truyện VN, nhân vật như Tuyết, Nụ, thì ắt là quê mùa (không có nghĩa là ở quê, mà là không sành điệu), Mỹ Lan với Thủy Tiên thì phải lộng lẫy. Mặc dù ở ngoài đời đang bội thực tên các chị em "Anh" nhưng hơi ít tác phẩm VN dùng tên này, có lẽ vì người ta ít khi gọi nhân vật chính bằng hai từ. Thú thực là không gì kiếm hiệp cổ long hoặc thần điêu hơn những cụm từ "Vân Anh nghĩ rằng đã nhìn thấy hắn hôm qua", "Lan Anh buồn bã bước về trong mưa"... Còn lối gọi tên nhân vật phụ chỉ có họ với tên thì chỉ còn thấy ở những tác phẩm của người trước: "Trần Hiệp đứng phắt dậy, Thái Văn hét lên xung phong..." đặc biệt là ở những truyện thời chiến tranh hoặc sản xuất công nghiệp.

Hôm nọ đố một người bạn, nghe cái tên Mai Anh Tuấn thì thấy đó là tên danh nhân thời nào? Tại vì mình đã tra cứu trước, chứ không thì nghe thấy rất là tân thời, giống tên thật một thi sĩ trẻ nước Việt thời nay có bút danh là Lệ Bình Quan. Hóa ra đấy là tên một ông Thám hoa, và cái phố mang tên ông đi qua cái mộ của ông ở khu Hoàng Cầu, Đống Đa, HN.

Nói chung chẳng có cái tên nào là cũ mãi hay mới cả, nhưng ắt là bây giờ ai viết tiểu thuyết, cũng hơi ngại nếu lấy tên là Thạc (cái tên cũng ít thấy), hoặc thậm chí có cái tên như Trãi, thật hiếm người có tên ấy, chắc chẳng phải húy ông Ức Trai hay sợ lây vạ chết người. Kể cũng có cầu thủ Quang Trãi, nhưng ngờ rằng bố mẹ anh này người miền Nam không chắc rằng Trải hay Trãi. Hay như đặt tên theo ca sĩ hâm mộ, nhiều bé gái tên Mỹ Linh hay Hồng Nhung, nhưng ít thấy Thanh Lam, hay các bà mẹ ghét chị gái này vì dính đánh ghen nhiều?
.
Bonus truyện nghe được từ lớp đứa cháu:
Một đứa bạn cháu mình học lớp 5, làm văn tả ngôi nhà em. Nó tả nhà em có các phòng này nọ, rồi đến cái phòng gay cấn nhất - phòng ngủ bố mẹ. Hừm hừm, nó không mô tả hoạt động trong phòng đó... Nó liệt kê các đồ vật: bàn máy vi tính, giường ngủ, tủ sách... và "mẹ em có một cái tủ sắt đựng đầy tiền, vàng và đôla"!!!

Cô giáo cũng không nói gì, phê gì vào bài. Đợi đến hôm họp phụ huynh, cô mới đùa đùa mà bảo mẹ cháu: "Chết nhé, nhà có gì là cô nắm được hết rồi đấy!" Bây giờ các bà mẹ mà không cẩn thận, khéo mất của như chơi!
.

Nhận xét

Chu Chu đã nói…
Bác trích đoạn nhằm câu khách phải không? Hehe. Em chưa đọc quyển Thời của thánh thần, mà thấy bác trích thế này thì thôi, em bỏ ý định tìm đọc luôn.
Em nghĩ cái kiểu đặt tên đó là bắt chước Mạc Ngôn trong Báu vật của đời, mà Mạc Ngôn thì lại bắt chước Trăm năm cô đơn của Marquez.
Btw, bác nghĩ gì khi nghe tên này: Chu Mỵ? hihihi 
Goldmund đã nói…
Đặt tên như vậy vẫn chưa hay bằng Mai Trừng, con gái của Hồ Anh Thái trong Cõi người rung chuông tận thế:)
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Chu Chỉ Mỵ - cái tên làm tớ nhớ văn cụ Tô Hoài :-) Nghĩ là một cô suốt ngày thêu thùa, khâu vá... (tớ bị tư duy trực quan lắm ý).
Chẳng biết ông HMT có bắt chước ai không, chỉ thấy cái dụng công nhấn mạnh vào yếu tố dòng họ thông qua cách đặt tên nhân vật hình như thiếu tự nhiên mà các phần văn bản khác không phối hợp với thủ pháp này. Nếu đã thích đai đi đai lại hoặc chơi chữ tên nhân vật thì phần còn lại có lẽ phải gia công hơn. Đâm ra các tên nhân vật cứ nổi lềnh phềnh trên cái bình diện kể lể nôm na và mẫu nhân vật của nửa thế kỷ trước.
@Goldmund: Mai Trừng có khi còn là cái tên lạ lùng, nhưng tôi nghĩ cách kể chuyện của CNRCTT theo lối pha huyền ảo thì cũng được.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm