Chuyến tàu mang tên Dục vọng


Về tên sách: Ban đầu cũng cân nhắc - rút gọn là Chuyến tàu Dục vọng, nhưng vì "mang tên" có một hàm nghĩa long trọng, ước định hơn, và cũng đã quen thuộc nên tớ vẫn để cả cụm, nó có cả nhạc tính nữa. Rút cục đây là sản phẩm duy nhất của tớ làm ra xuất bản trong năm nay. Một sản phẩm bất ngờ, do một dịch giả có tiếng không thiện chí hợp tác (hoặc là nhằm vào ngày xấu trời của bác ấy) nên cuối cùng lại đến tay tớ vì thời gian đã định gấp rồi. Tớ nghĩ là mình đã cố gắng thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ theo cách hiểu trung thành nhất của tớ về các nhân vật và ý đồ của tác giả Tennessee Williams. Thật vui mừng vì dù sao mình cũng có một sản phẩm cảm thấy tự hài lòng. Phải cảm ơn đồng nghiệp và là người biên tập, chị Dạ Thư đã ủng hộ và động viên. Sau khi hoàn tất thì mới biết là ở SG trước 75 đã có một bản dịch của 1 diễn viên kịch mang tên Chuyến xe dục vọng, nhưng tớ không biết bản dịch ấy.
Phải nói là có đọc kịch bản gốc mới thấy cách diễn của Vivien Leigh chẳng hạn, chỉ là một cách trong vô vàn cách hiểu nhân vật Blanche DuBois. Có sự khác biệt tương đối, mà đọc kịch bản sẽ thấy ngay. Nhưng quả thực, vai của Vivien lại có sức ám ảnh, cũng như vai của Marlon Brando. Thực ra, có một sự thuận lợi cho Marlon Brando là ông này là người đầu tiên đóng vai Stanley trên sân khấu, mà đạo diễn Elia Kazan lại là chỗ đã quen thân với tác giả kịch bản nên cứ như đo ni đóng giày. Ngày nay chúng ta không biết Jessica Tandy (sau này đóng Ms. Daisy trong phim hài "Driving Miss Daisy") đóng Blanche ra sao - bà là người đầu tiên đóng trên sân khấu Broadway và được khen ngợi rất nhiệt liệt - thay vào đó là Vivien Leigh để "ăn khách". Leigh đóng vai này ở London do chồng đạo diễn nên có sự khác biệt về cách diễn so với Kazan/Williams dựng ở Mỹ.

Dàn diễn viên của bộ phim năm 1951 - trừ Marlon Brando, cả 3 người còn lại đều giành giải Oscar diễn viên xuất sắc (nữ chính, nam và nữ phụ).
Dịch xong thì cũng thấm thía câu của Vivien Leigh - "vở kịch làm cho tôi phát điên". Mình không điên được (ăn thua gì) nhưng ngẩn ngơ một vài ngày khi hoàn tất, cái ngẩn ngơ trước một tác phẩm có độ hư ảo về tâm lý nhân vật. Rút cục Blanche điên từ trước khi đến Miền Thiên đàng (tên khu nhà trọ của cô em gái) hay là sau khi chạm trán thực tế ập vào mặt (đối diện hoàn cảnh tạm bợ của cô em và gã em rể khốn nạn đầy hấp dẫn - trai hư thường được gái si mê!) mà hóa rồ. Khi nào VN dựng những vở kịch của T.W nhỉ - những vở kịch mang phong cách Gothic miền Nam, bí ẩn và u tối nhưng trần trụi.

Ngoài lời nói đầu của Arthur Miller (bác này là chồng Marilyn Monroe một dạo) thì còn có bài tự phỏng vấn của Tennessee Williams và niên biểu của ông này. Ngoài vở Chuyến tàu đã được diễn 2 vạn đêm trên toàn thế giới thì ông có hàng chục kịch bản sân khấu và điện ảnh, đều do các ngôi sao thủ diễn. Hầu hết đều có các nhân vật có vấn đề về tâm thần và liên quan đến đồng tính ái (bản thân Williams là như vậy, mặc dù khía cạnh đồng tính đề cập vào những năm 40-50 đều ở dạng phiếm chỉ và ngôn từ gián tiếp). Có thể nói, cuốn sách này là cuốn sách đầu tiên ở VN giới thiệu đầy đủ nhất về sự nghiệp sáng tác của T.W, qua phần niên biểu về cuộc đời sáng tác và các bản kịch, phim của Chuyến tàu. Xin giới thiệu bài tự phỏng vấn của tác giả này:

“Thế giới mà tôi đang sống”
Tennesse Williams tự phỏng vấn
Hỏi: Chúng ta có thể nói chuyện thẳng thắn không?
Đáp: Làm gì còn cách nào khác để ta nói chuyện chứ.
Có lẽ ông biết rằng khi vở kịch thành công đầu tiên của ông, Bầy thú thủy tinh, được diễn lại đầu mùa này, một số lớn các nhà phê bình cảm thấy nó vẫn là vở kịch hay nhất mà ông từng viết, cho dù đến nay đã qua mười hai năm rồi?
Vâng, tôi đã đọc mọi ghi nhận và phê bình về vở kịch của tôi, thậm chí cả những người nói rằng tôi viết vì tiền và sự thể hiện trước tiên của tôi là thật lỗ mãng và mang bản năng xấu xa.
Làm sao có khói khi…!
Một đám cháy bốc khói nhiều nhất là khi anh bắt đầu tưới nước lên nó.
Nhưng chắc ông sẽ thừa nhận rằng có một dấu hiệu không dễ chịu gì của sự tàn ác, lạnh lùng, bạo lực và giận dữ trong những tác phẩm gần đây hơn của mình không?
Tôi nghĩ, vì không có kế hoạch làm như vậy, tôi đi theo sự nghi kỵ, sự giận dữ và bạo lực đang phát triển của thế giới và thời đại mà tôi đang sống thông qua sự bức bối tăng lên không ngừng của chính tôi với tư cách một nhà văn và một con người.
Vậy là ông thừa nhận rằng “sự bức bối đang phát triển”này, như cách ông gọi, là một sự phản chiếu của một thực trạng của bản thân ông?
Vâng.
Một thực trạng bệnh tật?
Vâng.
Có lẽ là cận kề với chứng bệnh tâm thần?
Tôi cho rằng tác phẩm của tôi luôn là một thứ liệu pháp trị tâm thần đối với tôi.
Nhưng làm sao ông có thể mong đợi khán giả bị ấn tượng bởi các vở kịch và những kịch bản khác được tạo ra như một sự giải phóng những sự bức bối có thể là của của một kẻ điên hoặc mới chớm bị?
Sự tự giải phóng của chính chúng thôi.
Cái gì của chính chúng?
Những sự bức bối tăng lên, cận kề với chứng tâm thần.
Ông nghĩ thế giới đang trở nên điên loạn?
Đang trở nên? Tôi phải nói là đã rồi ấy chứ! Như Người Du mục nói trong Camino Real, thế giới là một tờ báo hài hước đọc ngược. Và như vậy thì chẳng hài hước tí nào.
Làm sao ông nghĩ ông có thể đồng hành với cái nhìn đầy đày đọa ấy về thế giới?
Chừng nào thế giới còn có thể vận hành trong tình trạng bị đày đọa ấy, có thể xa, nhưng không xa hơn nữa.
Ông không hi vọng khán giả và giới phê bình đồng hành với mình sao?
Không.
Vậy tại sao ông lại lôi kéo họ theo hướng đó?
Tôi đi đường đó. Tôi không lôi kéo ai đi cùng hết.
Vâng, nhưng ông hi vọng sẽ tiếp tục có những người lắng nghe mình chứ?
Lẽ tất nhiên là tôi hi vọng.
Ngay cả nếu ông quẳng họ vào sự bạo lực và kinh hoàng của các tác phẩm của mình?
Chẳng lẽ anh không nhận thấy mọi người đang mòn mỏi xung quanh anh, như loài sâu bướm hết mùa, là kết quả của nạn dịch bạo lực và kinh hoàng hiện tại trên thế giới này và trong thời đại mà chúng ta đang sống đó sao?
Nhưng ông là một người làm ngành giải trí, với những kỳ vọng nghệ thuật, và mọi người không thể giải trí hơn nữa với những con mèo trên mái tôn nóng bỏng và búp bê bé con và hành khách trên những chuyến tàu điên rồ!
Vậy hãy để họ đi xem nhạc kịch và hài kịch. Tôi sẽ không thay đổi con đường của mình. Đối với tôi đã đủ khó khăn để viết những gì tôi muốn viết mà không phải cố để viết những gì anh nói họ muốn tôi viết mà tôi thì lại không muốn.
Ông có thông điệp nào tích cực không, theo ý kiến của ông?
Thực sự tôi nghĩ là tôi có.
Chẳng hạn như?
Tiếng khóc, gần như tiếng gào thét, sự cần thiết một nỗ lực nhân loại toàn thế giới rộng lớn để tự chúng ta nhận biết chính mình và lẫn nhau một cách thấu hiểu hơn, đủ sâu sắc để thừa nhận rằng không người nào có một sự độc quyền về lẽ phải hay đạo đức hơn bất kỳ ai có một phần hai mặt và xấu xa và tương tự vậy. Nếu con người, các chủng tộc và quốc gia, có thể bắt đầu với sự thật tự phô bày đó, thì tôi nghĩ rằng thế giới có thể tránh được sự băng hoại mà tôi đã vô tình lựa chọn làm chủ đề cơ bản và mang tính biểu tượng cho những vở kịch của mình như một khối thống nhất.

Tennessee Williams (thứ 3 từ trái sang) cùng Frank Merlo (tình nhân của T.W), đạo diễn Elia Kazan và nhà sản xuất Charles K. Fieldman.
Nghe ông nói như thể ông cảm thấy khá thờ ơ và cao ngạo trước quá trình băng hoại của xã hội.
Tôi chưa hề viết về bất cứ một điều xấu xa nào mà tôi không thể tự mình quan sát được.
Nhưng ông kết tội xã hội, như một khối thống nhất, về sự quy thuận trước sự dối trá có chủ ý, và ông tỏ ra tách biệt bản thân mình khỏi đó với tư cách một nhà văn.
Với tư cách một nhà văn, đúng thế, nhưng không với tư cách một cá nhân.
Ông có nghĩ đây là một thứ đạo đức kỳ cục của ông với tư cách nhà văn không?
Tôi không ảo tưởng về các nhà văn. Nhưng tôi thiên về việc nghĩ rằng hầu hết các nhà văn, và hầu hết các nghệ sĩ khác, đều có động lực nguyên thủy trong thiên chức tuyệt vọng của họ bởi một khao khát tìm thấy và phân tách sự thật với địa võng của những lời dối trá và mưu đồ mà họ đang sống cùng, và tôi nghĩ rằng động lực này là điều làm cho tác phẩm của họ không trở thành một tuyên ngôn mà như một việc thiên lương, một “lời kêu gọi” đúng nghĩa.
Tại sao ông không viết về những người tốt đẹp? Chẳng lẽ ông chưa từng gặp người tốt đẹp nào trong đời sao?
Lý thuyết của tôi về người tốt đẹp quá đơn giản đến nỗi tôi xấu hổ khi nói ra.
Làm ơn nói ra nào!
Chà, tôi chưa hề gặp một người mà tôi không thể yêu nếu tôi hoàn toàn biết và hiểu rõ anh ta, và trong tác phẩm của mình, tôi ít nhất cũng cố gắng đạt tới trí tuệ và sự hiểu biết.
Tôi không tin vào “tội lỗi nguyên thủy.” Tôi không tin vào “sự ăn năn.” Tôi chỉ tin vào kẻ xấu hay anh hùng – chỉ có những cách đúng hay sai mà các cá nhân hành xử, không do chọn lựa mà do sự cấp thiết hay do những ảnh hưởng thực sự vẫn chưa hiểu thấu trong bản thân họ, hoàn cảnh sống và xuất thân của họ.
Điều này quá đơn giản nên tôi xấu hổ khi nói ra, nhưng tôi chắc chắn nó đúng. Sự thật, tôi muốn cược cả đời mình vào đó! Và đó là lý do tại sao tôi không hiểu các bộ máy tuyên truyền luôn cố gắng dạy chúng ta, thuyết phục chúng ta căm hận và sợ hãi người khác trên cùng thế giới nhỏ bé này mà chúng ta đang sống.
Tạo sao chúng ta không gặp gỡ những người đó và tìm hiểu họ như tôi cố gắng gặp và hiểu những con người trong những vở kịch của mình? Điều này nghe thật hão huyền và tự cao tự đại.
Tôi không muốn kết thúc bằng một nhận định như vậy. Vậy tôi nên nói gì nhỉ? Rằng tôi biết mình là một nghệ sĩ nhỏ bé đã từng viết một hoặc hai tác phẩm quan trọng? Tôi còn không thể nói chúng là cái nào. Chẳng hề gì. Tôi đã nói điều tôi muốn. Tôi có thể vẫn nói lại điều đó, hoặc tôi có thể ngậm miệng lại. Nó không phụ thuộc vào các bạn, nó phụ thuộc hoàn toàn vào tôi, vào hành động của cơ hội hay Đấng Toàn năng trong cuộc đời tôi.
* Tiểu luận này đăng lần đầu trên tờ London Observer, 7 tháng Tư 1957

Nhận xét

Titi đã nói…
chúc mừng chúc mừng! Một trong những tác phẩm rất Mỹ nhỉ :-D
Unknown đã nói…
cảm ơn đại mỹ nhân :-) Chị nói đúng đấy, cái không khí của địa điểm được T.W viết rất chi tiết ở ngay trong kịch bản...
Unknown đã nói…
chúc mừng, bao giờ tổ chức tặng sách đây
Unknown đã nói…
Mời bác Phú đứng ra tổ chức event, làm tới luôn nhé :-)
Lê Tuấn đã nói…
Có một bạn trẻ ở Úc gửi cho tôi cái link này vì có nhắc đến tôi và bản dịch của tôi _ Chuyến Xe Dục Vọng - trước 1975. Vở kịch này, do tôi đồng đạo diễn, được trình diễn trên sân khấu Hội Việt Mỹ Sài Gòn trong ba đêm với Tâm Phan (vai Stanley), Đỗ Anh (vai Blanche)và Thanh Lan (vai Stella). Hy vọng có ngày được đọc dịch bản mới.
Lê Tuấn
Unknown đã nói…
Xin chào chú Lê Tuấn, hi vọng là cháu cũng có dịp được đọc bản dịch của chú. Chắc rằng cách đọc và diễn của 40 năm trước có nhiều điều thú vị và đặc sắc.
Lê Tuấn đã nói…
Bạn TQ có hỏi tôi về bản dịch cách đây 40 năm nhưng tôi không còn giữ. Mời các bạn vào thăm web site của tôi:


http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/

Lê Tuấn

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm