Di sản hay rác


Cuối năm, như thường lệ là gia đình tôi dọn dẹp nhà cửa. Ngoài những thứ dễ dàng phân loại cũ mới, thứ dùng tiếp và thứ thải loại là quần áo, thì thứ mất thời gian nhất là sách vở, thư từ và đồ lưu niệm.

Lý do dễ hiểu nhất là quần áo hoặc đồ gia dụng là những thứ thiết thực, nên ranh giới giữa còn dùng được và lỗi mốt thật rõ ràng. Nhắm mắt cũng biết cần bỏ cái gì đi. Còn những thứ thuộc phạm trù “tinh thần” kia, thật khó xử. Sách cũ có ngày sẽ đọc lại. Thư từ của thời chưa có email là những gì lưu giữ tình cảm. Đồ lưu niệm là những thứ đánh dấu những chuyến du lịch, những lần sinh nhật hay lễ Tết. Đó là những thứ được bày nghiêm ngắn trong giá sách, trên kệ hoặc treo tường, có tính chất “văn hóa”. Chúng tựa như những món đồ trưng bày trong một bảo tàng. Dù cũng chỉ vài chục năm, chúng cũng đáng được xếp hạng di sản của nhà tôi.

Trong khi tôi và những người “hiếu cổ” như mẹ tôi đắm chìm trong việc nâng lên đặt xuống những món đồ chẳng nỡ vứt đi thì bố tôi tỏ ra tỉnh táo, thuộc phe “chủ nghĩa tối thiểu”, thốt ra một câu có vẻ phũ phàng: “Toàn là rác!”

Phe hiếu cổ vặc lại: Rác là thế nào? Bao nhiêu tiền của rồi công phu ngần ấy năm?

Phe tối thiểu: Bảo là sách sẽ đọc lại, nhưng “sẽ” là lúc nào? Sẽ mang đồ lưu niệm ra ngắm lúc nào? Hay là để bụi mười năm giờ mới mang ra phủi? Cái gì sau hai năm không sờ đến, giải tán khẩn trương! Nếu không, cái nhà này thành bảo tàng của toàn những thứ vô dụng.

Lý lẽ của bố tôi làm cả nhà nao núng. Có những cuốn sách sau mười năm đọc lần đầu, tôi chưa hề giở lại. Và không ai ở gia đình tôi đọc cả. Những quyển sách hướng dẫn du lịch, những tấm bản đồ các thành phố tôi đã đi, dự tính găm lại để làm tư liệu viết bài, tôi đã quên khuấy mất. Thư từ của một thời, ghi chép những dặn dò hỏi han lặt vặt của chị tôi khi đi nước ngoài, rồi những tấm thiệp sinh nhật xinh xẻo, ghi những lời chúc đầy âu yếm, giờ giăng đầy bụi ở ngăn kéo. Những bức tượng nho nhỏ, những món đồ điêu khắc tầm tầm mua ở những nơi đi tham quan mà tôi dự định làm hẳn một cái tủ trưng bày, giờ vẫn chất đống bên nhau ở một góc giá sách, chỉ vì tủ trưng bày vẫn chưa có. Tóm lại, để phân loại và cân nhắc xử lý những món đồ này, cần cả một núi quyết tâm và kỹ năng bảo tàng. Hay là chúng ta chỉ biết cần mẫn lau chùi và lại xếp đặt lần nữa, đầu hàng trước sức nặng của quá khứ và công của đã bỏ ra.

Khi đi du lịch nước ngoài, tôi luôn phải kiềm chế để tránh việc mua thêm những món đồ lưu niệm này nọ. Món đồ nào cũng tinh khôn cài cắm một vài chức năng này nọ để du khách đỡ áy náy khi tha về làm chật nhà. Khi mua một món đồ như vậy, ta cứ tưởng như mình đã có thể mang được cả không gian ở nơi đó, những di sản của nhân loại mà về tái hiện trong phòng ngủ nhà mình. Nhưng sự thật lúc này thì ngôi nhà tôi chẳng khác một viện bảo tàng thập cẩm những món đồ đều bị bụi như nhau nhưng cộc lệch và chẳng gây một không khí gì ngoài sự bề bộn.

Nhưng nếu theo bố tôi, thì chúng ta sẽ sống ở cuộc đời này với “chủ nghĩa tối thiểu” mà không giữ lại cuốn sách nào, một bức hình nào hay một món quà có ý nghĩa ghi dấu một thời khắc quan trọng hay sao? Bản thân tôi còn in cả mấy cuốn sách, ai cũng như bố tôi thì tội nghiệp cho tôi quá. Bố tôi còn có cả mấy tấm huân chương và giấy mừng thọ lồng khung kính cơ mà! Thật khó mà xét rằng cái nào là “di sản”, cái nào là rác. Đến đống rác của người La Mã cổ đại còn được các nhà khảo cổ bới ra như những di sản của nhân loại.

Dẫu không nói ra, nhưng cả hai phe hiếu cổ lẫn tối thiểu ở nhà tôi đều ngậm ngùi với ý nghĩ: ngần ấy năm sống trên đời, mình đã để lại bao nhiêu là thứ, mà thực sự thứ nào là di sản đây? Hay đã đến lúc phải nói câu “cọp chết để da, người ta chết để rác”.

Nhưng điều làm tôi nghĩ mãi là suốt thời gian khi những món đồ kia được tôi rước về, tôi đã học được gì từ chúng. Tôi đã cày xới được bao nhiêu từ đấy, hay chỉ đọc lớt phớt một lần rồi bỏ, rồi những món đồ xinh đẹp chỉ bắt mắt tôi lúc bỏ tiền ra mua, khi về đến nhà, bị trưng một cách lạc lõng trong tủ kính. Rõ ràng là năm này qua năm khác, sự vô dụng của những món đồ đó không cho tôi một bài học nào. Nếu nhân loại diệt vong, Trái Đất nổ tung chẳng hạn, người ta tiếc nuối ngần ấy di sản của hàng ngàn năm tan vào tro bụi. Cá nhân tôi thì sao, liệu tôi có tiếc những thứ kia không, những thứ gia đình tôi tranh cãi nhau đấy là di sản hay rác. Cho dù chúng cũng thành tro bụi cả thôi.

N.T.Q
(Tạp chí Đẹp 1-2012)

Nhận xét

L'amante inachevée đã nói…
Chẳng phải đến Tết, mà 2 tháng 1 lần là em đã phải bùi ngùi nhấc lên đặt xuống để ông xã minimalist còn vứt bớt đi :)) Cứ lúc nào bị lục ra một món giấu kỹ, hỏi để làm gì mà không trả lời được là lại cảm giác như tội đồ xả rác ra chônd thâm nghiêm :D Có những món đúng lả chỉ có chức năng lưu giữ ký ức thôi. Loại ký ức mất rồi thì cũng thế, mà còn thì chũng chỉ chùng lòng độ 5 phút lúc lau cái món ấy í. Voila.
Nguyễn Trương Quý đã nói…
nhiều khi thấy con người sống đúng là thảm họa cho môi sinh nhỉ :-(

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm