Sóng thần nhan sắc

Hàn Quốc có lẽ là trường hợp đúng phóc cho cái điều “nhan sắc cũng là một tài năng” mà một cựu hoa hậu Việt Nam từng gây tranh cãi khi phát biểu trên mạng dạo nọ. Du lịch Hàn Quốc cho ta cảm tưởng như đang bước vào một bộ phim truyền hình lớn, bắt mắt với những thành phố, danh lam thắng cảnh được chăm chút và cư dân cả nam lẫn nữ đều đỏm dáng đến… giật mình.

Tủ kính sáng choang mà bí hiểm

So với Việt Nam, Hàn Quốc là đất nước quá sạch sẽ và ngăn nắp. Cảm tưởng cho đến giờ của tôi vẫn là đất nước này được chủ ý trình bày qua những cửa kính. Những cửa kính của Seoul hay Busan cũng như những khuôn mặt các người mẫu trên các tấm biển quảng cáo các nhãn hàng trên phố, sáng choang nụ cười nhưng lại có vẻ khá bí hiểm. Không phải vì cửa sổ tâm hồn của họ quá bé hay một mí (thực tế gần như tất cả các ngôi sao đều đã phẫu thuật cắt mí mắt!), mà vì điệu cười chúm chím giống nhau kiểu muốn bảo “tôi hoàn hảo đấy chứ?”
Bi Rain - Gương mặt đại diện cho một trong nhiều nhãn hàng mỹ phẩm

Nếu hình ảnh người mẫu trên các tạp chí thời trang và các quảng cáo đúng là mong ước của số đông thì đàn ông Hàn Quốc có thể bị xem như quá mỹ miều hoặc ẻo lả. Nhưng nếu nói rằng họ quá diêm dúa trong trang phục thì thời Louis XIV chắc bỏ xa. Cái thời mà các hiệp sĩ quý tộc đội tóc giả rắc phấn, mặc quần phồng xếp nếp sặc sỡ, cổ diềm đăng ten trắng toát, chắc không bị coi là thiếu nam tính. Nếu nói rằng đàn ông Hàn nghiện những khuôn mặt quá thanh tú như lẫn với vẻ dịu dàng nữ tính thì những bức tượng Hy Lạp hoặc La Mã cổ đại đã đi trước cả hai nghìn năm.

Trong thời kỳ mà con người đầy những ám ảnh về việc trở về với sự nguyên bản hay những phẩm chất căn cốt của nhân loại, thì đâu là vẻ đẹp thuần khiết khiến người ta bận tâm. Nổi bật nhất trên đường phố Seoul hay Busan không phải là logo của Huyndai, LG hay Samsung mà là các thương hiệu mỹ phẩm và đi kèm đó là những gương mặt đại diện – các ngôi sao phim ảnh và K-Pop. Dễ dàng thấy một cửa hiệu mỹ phẩm hay đồ thời trang, và dễ dàng gặp những nam thanh nữ tú ăn mặc như bước từ trong tạp chí ra. Thì mấy nước ưa đồ xa xỉ phẩm như Pháp cũng thế thôi, và đến Việt Nam thì biển quảng cáo dầu gội với kem làm trắng da cũng to hơn biển thức ăn gia súc là chuyện thường. Nét khác lạ ở Hàn Quốc là các gương mặt đại diện mỹ phẩm lại rất nhiều ngôi sao nam, trong khi lâu nay ta đều nghĩ rằng chỉ có phụ nữ mới có nhu cầu son phấn và lụa là.

"Đại lộ Ngôi sao" ở Seoul

Các mỹ nam trên áo phích ở "Đại lộ Ngôi sao"

Cosplay ở Busan
Cuối những năm 1990, danh từ Hàn lưu (hallyu) nghĩa là “làn sóng Hàn Quốc” ra đời để chỉ sự đổ bộ của văn hóa đại chúng nước này lên khắp vùng Viễn Đông và Đông Nam Á. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Không khó để xác định công thức của những bộ phim truyền hình và các ban nhạc K-Pop: diễn viên đẹp, câu chuyện tình yêu lâm ly, những giá trị đạo đức gia đình được đề cao. Khán giả được thưởng thức những bữa tiệc truyền hình trình bày đẹp, và điểm nhấn là những gương mặt trắng mịn như sứ, sống mũi cao, trai cũng như gái. Cuốn cẩm nang du lịch Lonely Planet cũng phải dẫn ra bộ phim “Bản tình ca mùa đông” với vai chính Bae Young Jun đã làm mưa làm gió khắp thế giới. Người ta đã ước tính 1/5 khán giả Nhật đã xem bộ phim này! Vẻ đẹp có phần nữ tính của Bae có thể coi như đại diện cho công thức hốt bạc của các nhà làm phim và khiến anh trở thành ngôi sao kiếm được tới 50 triệu đôla trong vòng 5 năm từ 2003 đến 2007. Giờ thì Bae Yong Jun đã tới tuổi 40, nhường chỗ cho các mỹ nam khác chiếm lĩnh màn ảnh làm thần tượng cho tuổi mới lớn và các khán giả nữ châu Á. Khắp các màn ảnh nhỏ gia đình châu lục, người ta tiếp tục khóc cười theo những số phận lúc nào cũng ái tình trắc trở, lúc nào cũng gặp một căn bệnh như máu trắng hay ung thư. Vì thế sự bất hạnh hoặc vật lộn của những chàng trai đẹp cô độc trong xã hội trở thành chủ đề quen thuộc như viên thuốc kháng sinh vẫn thành phần hóa dược ấy nhưng chỉ đổi nhãn hiệu mà thôi.

Phi unisex bất thành trai đẹp

Trào lưu sao nam có hình ảnh nữ tính không phải do người Hàn Quốc sáng tạo ra. Nó có từ trào lưu unisex của nước Nhật láng giềng, nhưng cũng như nhạc pop và phim truyền hình và thậm chí cả một số thương hiệu công nghiệp hàng đầu, người Nhật đã bị người Hàn vượt mặt. Đường phố Hàn Quốc khiến người ta bối rối bởi hình ảnh các cặp trai gái đi bên nhau, các chàng trai còn ăn mặc đỏm dáng và điệu đà hơn cả bạn gái mình. Bạn tôi đã phải thán phục sự mạnh bạo trong phối màu trang phục của các chàng trai trên phố: họ có thể mặc áo phông cổ tim màu tím với quần jeans ống bó da cam, đi giầy bốt và khoác túi lửng như xách làn đi chợ. Thán phục là vì bình thường bạn tôi vẫn có định kiến với kiểu ăn mặc mà anh cho là “chẳng ra đàn ông chẳng ra đàn bà” và thường chỉ thấy những bản sao xấu xí ở Việt Nam, vậy mà ở đây họ là bằng chứng cho một vẻ đẹp nổi bật. Dường như không đơn giản là một sự điệu đà khác thường, mà trong cách ăn mặc ấy, toát lên một sự tự ý thức mạnh mẽ về cá nhân vượt qua sự phân biệt giới.

Khi mới đến khách sạn bên bãi biển Haeunde (Hải Vân Đài), bãi biển nổi tiếng nhất Hàn Quốc ở Busan, tôi cứ tưởng đang có sự kiện gì. Nhưng hóa ra ngày nào cũng nhộn nhịp, và cứ buổi chiều xuống là đường phố nườm nượp người ăn mặc đẹp. Người già gần như không xuất hiện ở đây. Các khu phố đi bộ và trung tâm thương mại trưng ra hình ảnh một Hàn Quốc như một cõi không phiền não, trẻ trung và sạch sẽ. Tôi nghĩ nếu Tất Đạt Đa thấy cảnh này thì chắc ông chẳng phải bận tâm đi tu thành Phật. Vẻ hào nhoáng của nơi này dễ khiến người ta nghĩ đây giống một khu phố mà những người đồng tính hay tụ tập lẫn với giới nghệ sĩ. Nhưng thật khó kết luận bởi lối ăn mặc của các chàng trai đi cùng các cô gái cũng chung vẻ đỏm dáng đáng ngờ. Đến quần áo đồng phục công sở cũng áo body, quần ống tuýp và mái tóc không quên vuốt keo cẩn thận. Thanh niên Hàn Quốc ở đây đẹp, nhưng không có cái vẻ khêu gợi, ai cũng như một món hải sản trắng phau mà nhạt vị. Bên trong các hiệu thời trang, các bức ảnh của các ngôi sao nam sáng trưng vẻ đẹp nữ tính thì bên ngoài, những dáng người cao thon, bước đi mềm mại từng bước nhỏ làm cho chúng tôi nghĩ mình ở khu phố của những người thuộc giới thứ ba. Nhưng không có ôm hôn, không có cảnh tượng nào tỏ ra là có đụng chạm.

Câu trả lời có ở cách đấy 400km – Seoul. Bên cạnh khu trại lính Mỹ ở Itaewon là khu phố nhộn nhịp các quán bar và hiệu ăn đêm, nơi có cái tên lóng là “Homo hill” – đồi đồng tính. Trong khi khu phố trung tâm Seoul hay Busan sáng rực vẻ tẩy trùng và thơm mùi mỹ phẩm thì ở những con dốc đằng sau khu Itaewon này là san sát những quán bar, những phòng tắm hơi tối tăm, cũ kỹ. Ở đây số người ăn mặc đẹp và chau truốt lại ít hẳn đi. Tất nhiên, những khách sạn sang trọng hơn ở ngoài đường lớn chắc đã hút hết những “hàng đẹp”, và những khu phố đằng sau này là nơi mà những hẹn hò bình thường diễn ra. Ở cửa các quán bar, họ không phô bày lộ liễu các hình ảnh biểu tượng nhưng cũng có người vẫy tay chào mời, cũng có những ông Tây già lượn lờ tìm xem có chàng trai Á nào phát tín hiệu. Một đôi đi nửa thơ thẩn nửa lãnh đạm, bỗng chui tọt vào cái cửa của phòng tắm hơi. Đấy là nơi mà người ta vỡ lẽ rằng, unisex hay sự lạnh lẽo chỉ là bề ngoài, còn những dục vọng vẫn dậy lên sau những cánh cửa các phòng tối. Ra khu phố đèn đỏ ở đâu cũng giống nhau! Từ cái mùi âm ẩm và ánh đèn đường vàng vọt, những người đứng như không đợi ai mà lại có chủ đích.

Khu Itaewon.

Tổng thống cũng phải làm đẹp

Mặc dù dân thành thị trông bề ngoài đỏm dáng, Hàn Quốc lại có vẻ khá kín đáo trong thể hiện cảm xúc tình dục. Các nhà chính trị thì né tránh những chủ đề nhạy cảm như đồng tính hay mại dâm. Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố đồng tính là bất bình thường và không đồng tình với hôn nhân đồng tính, còn năm 2008 thì diễn viên nam Kim Ji-ho đã tự tử vì áp lực xã hội sau khi công khai khuynh hướng tình dục đồng tính của mình, bổ sung vào danh sách những diễn viên tự tử rộ lên vài năm gần đây ở nước này. Khi nhìn vào cái vẻ đầm ấm của mô hình gia đình trên phim truyền hình thì ta thực không biết đó là sự tô vẽ hay chân thực cho một giá trị truyền thống, cũng như nhìn vào lối ăn mặc “nữ tính” của những anh chàng trên đường phố Hàn Quốc ta vẫn chắc chắn rằng đàn ông nước này chẳng có vấn đề gì về giới tính cả.

Biểu tình chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, mại dâm và đồng tính trong một kỳ hội thảo ở Busan
Biểu tình ngay khi bộ trưởng y tế xuất hiện...

Một quảng cáo mỹ phẩm chăm sóc da
Cũng như thế, nhìn đất nước này từ những đường phố sáng choang và vô vàn những hình ảnh diễn viên đẹp, ta cũng chẳng lấy làm choáng váng với những con số 1/5 phụ nữ Seoul trong lứa tuổi 19-49 đi phẫu thuật thẩm mỹ để được đẹp như các diễn viên. Và chính cựu tổng thống Roh Moo-hyun đã đi cắt mắt! 4000 trung tâm thẩm mỹ ở Seoul kỳ vọng sẽ thu hút 400.000 du khách quốc tế tới đây theo các tour làm đẹp, và bên cạnh những nhãn hiệu hàng điện tử hay xe hơi, mỹ phẩm và công nghệ làm đẹp Hàn Quốc là con át chủ bài tấn công phần còn lại của thế giới. Tiền bạc đã quyết định tất cả: Thị trường làm đẹp và chăm sóc nhan sắc nam giới đã tăng 40% trong vòng 5 năm. Sống trong môi trường ấy, không tồn tại các mỹ nam như ta vẫn thấy chật màn ảnh nhỏ mới là chuyện lạ. Ta vừa thán phục nỗ lực làm đẹp đến cực đoan ấy, vừa nghĩ Hàn lưu đã thành cơn sóng thần rồi.

N.T.Q
(Mốt và Cuộc sống Tết 2012)

Nhận xét

Titi đã nói…
Minh vưa co dip noi chien voi 1 bac si tham my Han Quoc, ong ay tinh te den muc nguoi khong bao gio muon tham my nhu chi cung phai nghi lai day ke ke...
Penpen đã nói…
Tuyên ngôn " nhan sắc cũng là một thứ tài năng " là của Xuân Quỳnh viết trong một lá thư gửi LQV .
Unknown đã nói…
Titi định thẩm mỹ cỡ nào, which job :-))

Cậu ấm: thì tóm lại là của ai thì cũng là chân lý phải k :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm