Dư vị của phiêu lãng


Dĩ nhiên là tôi không biết gì về nhạc sĩ Canh Thân ngoài mấy bài hát xa xưa của ông. Nhưng đây đó giữa những dòng hồi ức về lịch sử tân nhạc và cái gọi là ngành công nghiệp giải trí sơ khai của nước nhà ở một Hà Nội cũ, thì Canh Thân là một nhân vật xuất hiện không ít lần. Cái thời mà văn hóa Pháp với sự điệu đà, lẳng lơ và rất chi là “tráng men” của nó đã kịp sinh ra một thế hệ thanh niên vui thú với ánh đèn sân khấu, với những etiquette du nhập từ Tây phương. Mặc Âu phục, đi xe đạp và uống cà phê, thay vì áo dài khăn đóng, đi xe tay và uống trà, kèm theo là những quy cách của một lối thưởng thức được cổ vũ như là đại diện cho sự tân tiến. 

Đều là sản phẩm cây nhập nội, trong khi cao su vốn gây ấn tượng hãi hùng “đi dễ khó về” của đời phu phen thì cà phê chỉ vẳng lại xứ Bắc Kỳ như một thứ sản phẩm thượng lưu. Cà phê vốn dễ thấy ở Sài Gòn, nhưng sự có mặt của nó trong đời sống Hà Nội chỉ nổi lên khi đường sắt Đông Dương khánh thành năm 1936, đi mất 40 giờ, nhanh hơn so với đường tàu biển đi cả tháng trời. Khi ấy cà phê mới có được giá rẻ hơn và bán rộng rãi hơn. Quán cà phê ra đời nhiều hơn, nhờ vào sự tăng trưởng của tầng lớp công chức và trung lưu đô thị. Nhưng hình như còn phải chờ một thứ gì đó để hoàn tất nốt hình ảnh của chúng.


Như người ta kể lại, Canh Thân là một giọng ca đã biểu diễn ở trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào những năm 1953-1954. Nhưng chừng hai thập niên trước đó, ông là một trong số những thanh niên Hà Nội cuốn theo trào lưu “bài ta theo điệu Tây”, nghĩa là đặt lời Việt cho các bài hát Pháp được phổ biến ở Hà Nội qua các đĩa nhạc 78 vòng, phát ở các cửa hiệu và các quán rượu mà đa số giới trẻ chỉ có thể đứng ở ngoài cửa nghe lén. Canh Thân là một người say mê ca sĩ Tino Rossi, một giọng ca trữ tình Pháp gốc đảo Corse, tham gia hội “ái Tino” và thậm chí lấy nghệ danh là Tino Thân. Giọng hát mùi mẫn và những lời ca yêu đương có phần phóng túng của những bài hát Pháp thời đó đã phủ sóng ảnh hưởng lên lớp thanh niên Hà Nội. 

Truyền thống ái tình và hoan lạc của người Pháp chắc ít nhiều đã tác động đến lối sống giới này. Thời gian đã làm lạc nhiễu thông tin, nên đâu là ái tình thực, đâu là trăng gió thì chúng ta chỉ có thể phỏng đoán. Giữa những câu nhạc phóng túng, mời gọi: “Đi với tôi đến chân trời xa, đến suối mơ là nhà của ta” là những thiết tha ảo mộng: “Mong trông thy bóng cô nàng. Thì trong lòng chàng mi yên.” Lúc đó, những cô hàng cà phê đã lên ngôi hoa hậu trong cuộc thi các nhân vật của tân nhạc, trước hết là nhờ Canh Thân.

Canh Thân là dân Hải Phòng, là cậu của nghệ sĩ cải lương Ái Liên. Mấy người chị của Canh Thân đều là diễn viên cải lương. Bản thân ông lại say mê nhạc mới và hát phụ các bài tân nhạc trong gánh hát của Ái Liên. Chừng ấy xuất xứ cũng khiến cho cuộc đời của ông có phong vị phiêu lãng. Một nhân vật sống cùng thời đã kể lại: “Các ca sĩ thời gian này hầu hết đều đơn ca, hiếm thấy có song ca… Chỉ một lần vào dịp đầu thu năm 1952, tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong một buổi văn nghệ nào đó, có cặp ca sĩ Tâm Vấn và nhạc sĩ Canh Thân dắt tay nhau ra nhún nhảy song ca mấy bài hát thể điệu swing nhộn nhịp của Canh Thân như ‘Túi đàn’, ‘Đi với tôi đến chốn trời xa’. Lối trình diễn sống động mà ngổ ngáo của cặp Tâm Vấn - Canh Thân vào lúc đó thật lạ, mới thấy lần đầu.” (Đỗ Văn Minh – Hà Nội 1948-1954: những năm tháng cũ). 

Ca sĩ Tâm Vấn (1953)
 Qua mấy chi tiết được kể lại, ta có thể thấy Canh Thân là một nghệ sĩ trình diễn đa năng, một đứa con lai của nền văn hóa giao thoa Đông-Tây. Nhờ vào tên của ông, ta biết được ông sinh năm 1920, năm Canh Thân, thừa hưởng một cách đặt tên thật Việt Nam, nhưng không khí giao thời mưa Âu gió Á đã nhào nặn nên một Canh Thân rất Tây. Gia đình lại chuyên nghề hát cải lương, một loại hình ca kịch dân gian có ít nhiều pha trộn sân khấu Pháp, sống ở thành phố cảng Hải Phòng, cửa khẩu lớn nhất Bắc Kỳ đương thời, Canh Thân tham gia nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý, cái nôi cho nhiều nhạc sĩ như Văn Cao, Phạm Ngữ, Tô Vũ viết những bài hát cổ vũ lòng tự hào dân tộc cũng như những bài tình ca đầu tiên của tân nhạc. Canh Thân có vẻ như là một người rong chơi, lãng tử, nói theo kiểu bông đùa bây giờ là “nhạc nào cũng nhảy”, nhưng có lẽ không sai. Ông là nhạc sĩ của những giai điệu có chất hài hước, rộn ràng, nhạc sĩ của những thú vui thị thành. 

Người ta hay nói đến sự chín muồi. Hình như phải đợi đến lúc ấy, năm 1951 ở một quán cà phê tản cư chiến khu III, vùng chợ Đại – Cống Thần (Ninh Bình), khi cà phê đã trở thành một thứ đồ uống phổ biến giữa một không gian có phần tạm bợ của thời chiến, giữa một trạng thái của một anh chàng còn giữ máu văn nghệ lãng mạn đi kháng chiến, thì Canh Thân mới viết được Cô hàng cà phê. Nhưng bài ca không tả cà phê, thậm chí chỉ có một câu tả về đồ uống thì lại là “nâng ly trà ướp sen ngạt ngào”, mà chủ yếu tả về “cô hàng với bàn tay ngà”. Cà phê hay các món ăn này nọ hãy còn chưa đến thời được đưa vào ca khúc như một đối tượng thẩm mỹ độc lập. Nhưng tinh thần về một nơi chốn thưởng thức đã bắt nguồn từ một cội rễ văn hóa mà chúng ta đã nói tới.

Quán cà phê của Canh Thân, của những nghệ sĩ thời đấy dù ở đâu hay Hà Nội, nhưng toát lên một tinh thần những quán cà phê Paris hay những kinh đô nghệ thuật, nơi người ta dễ gặp thi hứng từ sự cọ xát của những sáng tạo. Người ta đến để uống cà phê thì rõ rồi, nhưng còn đến để giao lưu, để đua tranh làm bật lên được sự khác biệt của mình, và để thông báo với đời là mình vẫn còn sống, còn yêu và còn sáng tác. Pha cà phê không phải là việc quá cầu kỳ, và rửa ly tách cũng không khó, nhưng ra quán ngồi là cả một ý thức về không gian. Quán cà phê đương nhiên khác quán nước chè, và cũng khác quán rượu, hầm bar. Câu chuyện mà Canh Thân kể đến ở chợ Dầu (là cái tên đã thay đổi so với thực tế), về một cô hàng có thật (là ca sĩ Thái Hằng, sau này là vợ nhạc sĩ Phạm Duy), thật ra không khác gì chuyện đời ở những ca lâu tửu quán khắp thế gian, nơi những khách trăng nước ghé qua ngắm cái đẹp yêu kiều nữ tính hòng làm dịu sự gay gắt bụi bặm đường trường.

Cô hàng cà phê cũng thừa hưởng một cách kể truyện ca truyền thống, mở đầu bằng giọng ngâm, rồi có sử dụng câu sáu của Truyện Kiều: “Lơ thơ tơ liễu buông mành, cho hay cái sắc khuynh thành…” rồi ngắt nhịp đảo phách như hát trống quân. Bài hát dành cho giọng nam đã ghi dấu đậm nét hơn trong đề tài quán ven đường, nơi tài tử giai nhân nan tái ngộ, mà những Tình kỹ nữ, Bên cầu biên giới của Phạm Duy, Tình nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn-Từ Linh cũng có lấy cảm hứng từ bối cảnh đó. Nhưng cũng là những tâm sự ngổn ngang của một thế hệ mang cái lãng mạn ra bày đặt giữa thời bom đạn:

- Đêm nay đôi người khách giang h/ Gp nhau tình trăng nước/ Sánh vai nhp bước giang hồ/ K vai ước xây nhà bên sui…
- Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi/ Nắng ngừng đây bên chiếc cầu biên giới…
- Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm/ Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng…

Canh Thân mất tại Sài Gòn vào đầu những năm 1970, và gia tài âm nhạc để lại của ông có lẽ nổi bật nhất vẫn là Cô hàng cà phê, bởi sức gợi biểu tượng của nó. Ở đây, cà phê chỉ là cái cớ, nhưng nó là vật chứng của một kỷ niệm, của một đời sống phồn hoa đã để lại sau lưng. Cà phê là vật ký thác cho một ám ảnh vô thức mà người nhạc sĩ vô tình hay hữu ý đã gọi ra. Vì nó không nằm trong các biểu tượng truyền thống nên sự có mặt của nó vẫn nằm trong cái khung âm nhạc của truyện ca mang âm hưởng nét nhạc cổ truyền, khá giống với một ca khúc nổi tiếng khác là Cô hàng nước của Vũ Minh, dù ở đấy là một cô hàng nước chè xanh ở đầu làng Ngũ Xã… Nhưng tinh thần phóng túng, tay chơi của một văn hóa ảnh hưởng Tây phương đã chi phối mạnh lời ca đến mức, chỉ cần hai chữ “cà phê” đã đủ đẩy bài hát lên thành một biểu tượng của ái tình mang màu sắc đô thị, mà ở đây là Hà Nội kiểu Pháp.

Vì thế, nhiều tuyển tập nhạc đã không ngần ngại xếp Cô hàng cà phê của Canh Thân vào số những bài ca Hà Nội. Và dường như nó cũng là đại diện hiếm hoi của dòng nhạc tiền chiến có nhắc đến cà phê. Một sự hiện diện độc nhất nhưng khiến người ta nhớ mãi, như dư vị cà phê ngon trên lưỡi khách khi đã lên đường tiếp tục tha phương, và lữ khách ngẩn ngơ nghĩ đã thực có mùi vị đó sao?

Nguyễn Trương Quý
(Thế giới Cà phê 1.2012

+ Tham khảo bản nhạc:

Nhận xét

tây bụi đã nói…
Có rất ít thông tin về đời Canh Thân sau 1954. Những thân nhân ngoài bắc không biết ông biết từ bao giờ. Có vài tấm ảnh của Canh Thân trong ban nhạc của Vũ trường Le coq d'or trên website của gia đình Phạm Xuân Lôi, Phạm Xuân Tiên. Canh Thân là người cao đứng ở gốc trai.

http://phammusic.free.fr/xuan%20loi/Hoi%20Ky%20XL/Photo%20Hoi%20Ky%20026%20dancing%20van%20hoa.jpg

http://phammusic.free.fr/xuan%20loi/Hoi%20Ky%20XL/Hoi%20ky%20Xuan%20Loi.htm
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Cảm ơn anh Jason. Thời gian đúng là bộ lọc, nhưng chắc hi vọng sẽ tìm thêm được điều gì nữa để khỏi bị lọc hết...

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm