Huyền thoại xalông

Có một bối cảnh được sử dụng nhiều trong những vở kịch một thời: một góc vườn hoa, có ghế đá bên cạnh một cột đèn, đằng xa là những cửa sổ nhà cao tầng. Ở đấy, những nhân vật đối thoại với nhau những lời không kịp nói trong phòng khách, trên xalông, nơi đôi khi những câu triết lý đinh của vở kịch bất chợt tuôn ra rất bâng quơ.

Hồi nhỏ, tôi đã luôn ấn tượng rằng ngoài đường Hà Nội là thế. Một không khí cô đặc, với ngôn từ tinh lọc đầy tính kịch, những nhân vật thường có những sắc thái đạo đức được kịch bản gửi gắm. Một cô gái bất bình với đời sống gia đình bỏ ra đường để độc thoại nội tâm, một anh bộ đội từ biên giới về thăm phố gặp lại hàng cây tuổi thơ, một chú bé cơ nhỡ gặp một bà cụ tốt bụng dạy bảo, hoặc một vụ lộn xộn do xung đột do cái xấu gây nên để thành cái cớ cho cái tốt xử lý trong một cảnh nội sau đấy. Vài kẻ sĩ cất lên những lời bàn thế sự, có khi tào lao như câu đưa đẩy của hề chèo. Những hậu cảnh mờ mờ đằng sau luôn hứa hẹn một sự xuất hiện quan trọng, khác với những cú chạy tạt ngang bất thình lình từ hai bên cánh gà vốn thường cho các vai phụ. Những bối cảnh sân khấu có lẽ là một sự ước định có tính tổng quát về không gian sống của thời đại, dẫu rằng hay bị thành mô típ chậm hơn thực tại vài nhịp.


Hà Nội như ta thấy bây giờ, là những mặt tiền kiểu sân khấu mà không có hậu cảnh. Những mặt nhà sin sít nhau, không hở ra một khoảng lùi nào. Nghĩa là chỉ có diện mà không có khối, và thế là không có chiều sâu không gian. Những con người hiện lên trên bề mặt ấy hoặc phóng xe vội vã qua, hoặc chỉ chui ra chui vào trong một khoảng không gian nông nông. Tựa như bối cảnh của một lớp kịch mà phông cảnh là một tấm bìa đục những lỗ giả cửa sổ, các nhân vật chỉ có động tác thò đầu ra đối thoại như những con chim cúc cu báo giờ trong những cái đồng hồ cổ. 

Nhưng có một Hà Nội hiếm khi được dựng: Những biệt thự có vườn. Có vườn tức là có hàng rào, có cổng. Hình như chiều sâu của các sân khấu Hà Nội không đủ để cho phép tạo những lớp phông từ đường phố, qua hàng cây vỉa hè đến tường rào và rồi sau một khoảng sân là ngôi nhà với một ban công có cánh cửa khép hờ. Biệt thự Hà Nội cũng đã có tuổi đời một thế kỷ, nhưng chỉ đóng vai trò đúng chức năng chừng nửa thời gian ấy, nửa còn lại chỉ còn váng vất những mảnh trên sân khấu hay các trang giấy hoặc bức ảnh đầy hoài cổ. Nó là kết quả của một xã hội đô thị hành chính thuộc địa, tạo nên một khu uptown (phố trên), dành phần buôn bán cho những khu downtown (phố dưới) của người bản xứ hoặc số ít các trục thương mại như Tràng Tiền, Hàng Bài… 


Nguyễn Công Hoan đã kể rằng, vào những năm hai mươi, chỉ có những chị “khâu đầm” (người may vá hay vú em) hoặc anh bếp người Việt lui tới những phố Tây. Vì tính chất khép kín, hạn chế với dân bản xứ, mà những khu biệt thự này có một dáng vẻ bí hiểm, tạo nên một huyền thoại thần bí cho “ăn cơm Tầu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Những hàng rào chạy dài sau các rặng cây, với những giàn hoa ti gôn đã chen chân vào văn học lãng mạn, trở thành một vật trang trí kiều diễm cho hiện thực. Chỉ những biệt thự mới có những giàn hoa ấy, những mùi hương rất “đầm” của những loài hoa nhập nội làm ngơ ngẩn nhiều thế hệ.

Những năm bốn mươi, khi giới viên chức bản xứ đông lên, họ sở hữu những biệt thự nhỏ hơn ở phía Nam khu phố Tây, nghĩa là từ mạn dưới quận Hoàn Kiếm bây giờ với phố Trần Quốc Toản làm ranh giới. Những biệt thự này mang phong cách hiện đại hơn, bé hơn, thậm chí song lập để tiết kiệm không gian trên những lô đất hạn hẹp. Lúc này các hàng rào ngắn hơn, các mảnh sân cũng tủn mủn hơn, và các chiều sâu cũng bớt dần. Tình thế của cuộc giao thoa văn hóa Đông Tây đã phát triển tới mức độ người Việt đã thâm nhập sâu vào những không gian tưởng chừng ngoài tầm với. Sau đấy như ta đã biết, chiến tranh và thời cuộc đã sắp xếp lại các biệt thự, đưa các không gian ra mặt tiền, kéo theo đổi thay nếp sống của cư dân. Đường phố Hà Nội lãng quên chúng, và huyền thoại chỉ còn như cánh hoa ti gôn rụng trong thơ T.T.Kh hay mùi dạ lan hương trong nhạc Đoàn Chuẩn. 


Hà Nội bây giờ rất hiếm những đoạn hàng rào dài hơn 200m. Hàng rào là một biểu hiện về phạm vi không gian sống, nhất là của các biệt thự. Nhưng bây giờ, chỉ còn 15% số biệt thự (229/1540) còn nguyên vẹn, số còn lại đã bị chia nhỏ hoặc biến dạng, góp thêm vào đám đông những căn nhà phố chật chội, chen chúc và manh mún.

Vậy mà, từ cuộc đời bước lên sân khấu hình như vẫn còn sợi dây dai dẳng của ký ức. Những vở kịch ở nhà hát kịch Hà Nội vẫn bày những bộ xalông phòng khách chễm chệ giữa sân khấu. Ở hậu cảnh, ô cửa sổ vẫn trổ ra một cái phông có một cái cây bên hiên nhà. Cây chắc dễ tạo hình, có thể ngọc lan, hoàng lan, hay hoa sữa, nhưng cũng khá đủ để chứng tỏ huyền thoại xưa còn đó, có khi hay hơn cả nội dung vở kịch đang vắng khách.

N.T.Q

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm