Nhìn đâu cũng thấy lòng mình


Bagan có 5000 cái chùa, dĩ nhiên không phải cái nào cũng to như một cái chùa có đủ lớp lang ở Việt Nam. Đa phần là những cái tháp (stupa) na ná nhau. Nhưng mật độ của chúng thì đáng nể. Nếu tư duy theo kiểu đất “phân lô” như Việt Nam thì có lẽ không thể cắt nghĩa được tại sao họ lại phải xây nhiều chùa, nhiều bảo tháp như thế, cái này sát cái kia như một rừng tháp. Những cái tháp bằng gạch đất nung, trong buổi hoàng hôn, sẫm bóng lại như hàng người đứng tiễn biệt bên sông…

Đức Phật có một nhưng cách diễn giải và cách hiểu về ngài chắc có nhiều. Dường như Phật pháp từ khởi thủy là một tư tưởng tinh khôi đã biến hóa khôn cùng, khác nào một tháp Babel đã chia năm sẻ bảy muôn nơi không cho ai hiểu ai. Tuy vậy, có những giá trị chung nhất và giản tiện của đạo Phật để cho một người ở nơi khác đến Bagan đồng cảm được: Phật tại tâm và người theo đạo Phật phải làm chủ được tâm của mình. Mà đến Bagan hay đâu cũng không quan trọng, phước huệ của Phật trải khắp thế giới. Như kinh Phật nói, tùy duyên thì gặp được.

Bagan nằm ở bên cạnh con sông Ayeyarwady, nhưng là vùng đất khô hạn, chỉ có những cây me và những cây bụi nhiều gai sống khỏe cùng không nhiều những cây thốt nốt mọc lên từ đất đỏ. Hàng ngàn cái tháp màu gạch đỏ như đội đất đỏ mà vươn lên, qua 12 thế kỷ nối tiếp nhau, giờ đứng bình lặng mặc cho những biến động hiện đại, dẫu vậy ít vọng đến đất này.

Tôi nhớ đến một nơi nhiều chùa ở Việt Nam là Huế. Dọc bờ sông Hương có đến gần trăm ngôi chùa, mà thói ưa chọn số đẹp của người xưa đã lấy con số 99. Huế cũng có thể gọi là thành phố thấm đẫm triết lý Phật giáo. Người Pháp đã nói về Huế: “Thành phố mỉm cười khi thương đau, thở than khi vui vẻ.” (Eugène Pujarniscle, dẫn theo Hoài Thanh). Câu ấy có thể dùng để nói về Bagan hay những thành phố di sản Đông Nam Á như Luang Prabang, Chiang Mai… những thành phố mà những khuôn mặt con người phảng phất sự mụ mị bình an của những bức tượng Phật trong vô vàn những ngôi chùa. 

Sống lâu ở một thành phố phát khùng như Hà Nội, chúng tôi như người bị đánh thuốc mê khi lạc vào thành phố bé nhỏ Bagan. Người đánh xe ngựa đưa chúng tôi vào thành cổ (thực ra không có ranh giới rõ rệt giữa ngoại vi và thành cổ, vì nhìn đâu cũng tháp gạch lẫn với bụi cây khô) dừng lại ở đằng sau cổng thành. Anh ta giải thích rất rắc rối về việc chi phí hay đường đi sao đó mà cả đám chúng tôi hiểu là anh ta muốn thêm tiền hoặc hóa ra số tiền đã thỏa thuận chỉ đi được đến đây. Thành kiến sẵn với thói làm du lịch ở nhiều nơi hay bắt chẹt du khách, và bài học ở quê nhà đầy ra đó, chúng tôi tức giận. Cô bạn khá tiếng Anh nhất nhảy ra diễn giải lại những thỏa thuận và hỏi lại có đúng là anh ta muốn mặc cả thêm không. Hóa ra không. Chỉ đơn giản là anh ta giải thích rằng thành cổ khá rộng và anh sẽ đánh xe cho chúng tôi đi các điểm chính và đưa về lại nhà nghỉ. Đến đây thì cả bọn à lên và thấy sượng sùng trước sự hung hăng mà mình đã bộc phát lúc nãy. Chiếc xe ngựa lại lóc cóc lên đường, âm thanh đều đều của nó làm lắng lại tâm trạng, tựa như tiếng gõ mõ kinh chiều.

Chúng tôi vào những ngôi chùa, chỗ nào cũng có những cậu bé vẽ và bán những bức tranh tô màu chủ đề Phật hay hành hương hoặc cảnh Bagan bằng một loại tempera như keo trên giấy dó rất dai. Các cô cậu nhỏ này bán hàng bằng một cái giọng tiếng Anh rất dễ thương và với chúng, bán hàng cứ như là một thú vui. Chúng cười, chúng nài nỉ, chúng ra giá, sinh động như một cuộc đối thoại trong lớp tiếng Anh buổi tối ở Hà Nội. Ta hay nói giác ngộ này nọ, nhưng chắc người Miến họ thấm nhuần tình cảm thương người của Phật dễ hiểu hơn những giáo lý nhức đầu. Dọc đường, cửa chùa hay trước cửa những ngôi nhà, họ có những cái chòi đơn sơ, trong đó đặt những vò gốm đựng nước mát, có nắp đậy và gáo để người đi đường tự múc uống giữa trời nắng chang chang của đất này. Những cái nho nhỏ ấy cùng sự hiền lành dễ chịu của người Miến khiến chúng tôi cảm động đến gai người. Chúng tôi cũng mua những viên bột làm từ thân cây me, gọi là thanaka để bôi lên mặt giống như người Miến. Cơm cũng có món lá me muối chua. Cá cũng có kho với lá me. Ở sân những ngôi chùa có những cây me rất lớn, rợp những bóng râm hoe hoe. Tán me không rậm rì, lá me lại nhỏ, nên vẫn để cho ánh sáng lọt qua như một bức màn thưa. 

Cảnh trí Bagan cũng thế, không có gì là tuyệt đắc, không đồ sộ đến dị thường, nhưng cả ngàn ngôi tháp như họp lại làm một cuộc tụng niệm trong tâm tưởng. Nhất là khi ta đứng trên tầng cao nhất của một ngọn tháp ở trung tâm, nhìn ra bốn phía thành cổ Bagan, dõi mắt về những rặng núi đá phơi những cái vách tím bên sông màu nâu chảy lừ đừ. Trên nền cảnh ấy, những ngọn tháp màu nâu đỏ lô xô như đàn hươu cao cổ nhởn nhơ dạo bước, có cái lại dát vàng lộng lẫy bật lên dưới ánh hoàng hôn. Đa phần đều là stupa tròn hình chuông, trong đó chùa Schwezigon nổi bật lên vì cái hình bầu bĩnh của stupa mang màu vàng chói lọi. Một vài ngọn tháp khác biệt như ngôi đền Sulamani có phong cách stupa vuông như That Luang ở Lào hay Dhammayangyi, ngôi đền lớn nhất nhưng xây dở dang vào thế kỷ XII, nên không có chóp, tựa như một kim tự tháp Maya. Màu đỏ gạch của chúng hiện lên giữa nền cây xanh và đất đỏ, một hàng phượng đỏ râm ran và đàn dê trắng nhởn nhơ trên những bãi trống, tiếp nối đằng xa là bình nguyên xa tít.

Có người đi Bagan về nói đã khóc khi thấy cảnh này. Tôi thì không đến mức ấy, có thể vì tâm mình lạnh nhạt hơn, có thể vì mình bình an hơn, nhưng trong cái lặng im chỉ có tiếng gió hây hẩy thổi qua bình nguyên, nghĩ đây là một nơi hiếm hoi mà tâm trí mình được cởi giải. Niềm vui khi đi vòng quanh, chụp ảnh bốn phía, so cái nào đẹp hơn cái nào, cũng là một thứ mà chỉ khi tâm bình an mới đem lại được. Mỗi cái tháp như bộc bạch tâm sự của một thế hệ, một lứa người. Cả ngàn cái tháp trầm mặc đứng bên nhau như đang trong một cuộc trò chuyện tập thể, như phơi lòng mình trên những viên gạch lở lói. Bagan đến đây lại làm tôi nhớ Huế, nhớ Hà Nội của những viên gạch đỏ trên các bức tường nhà cũ. Tôi đã từng ước Hà Nội có lúc bình thản như Huế của Thu Bồn, hình như Hà Nội đã từng có lúc thế, mặc dù tôi cũng băn khoăn không hiểu trí nhớ thơ ấu có đánh lừa tôi không: 

Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu

(Tạm biệt Huế - Thu Bồn)

Cả hơn chục thế kỷ phơi trước mắt, dĩ nhiên đa phần còn lại của những thế kỷ sau. Từ thế kỷ thứ II đến XVI, các triều đại ở miền Trung Myanmar đã xây dựng chùa chiền ở thành phố này, rồi xê dịch quanh mấy kinh đô khác như Saga, Inwa và cuối cùng về Mandalay. Cái nỗi buồn ở đây cũng phảng phất nhẹ nhàng như nỗi buồn của những thời hoàng kim đã từng ghé thăm, như những gánh hát đi qua phố huyện để lại nỗi nhớ hàng năm trời cho những đứa trẻ từng tắm trong hào quang sân khấu rọi xuống.

Phật cũng thế, với tên gọi Tất Đạt Đa Cồ Đàm hay Thích Ca sống ở cõi đời 80 năm, nhưng đã để lại một di sản trường cửu suốt 2500 năm đến giờ. Xây 5000 ngôi chùa với tháp ở Bagan cũng là một cách tỏ lại hào quang Phật, cho dù đấy là tâm đã bình an hay đang mê mị. Có lẽ, tôi cũng đang mê.

Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Trăng Quê đã nói…
Bai viet hay qua ban oi.
Duoc di , duoc ngam , duoc chiem nguong -ban that may man.
Toi cung co luc muon di ve nhung noi co nhung toa lau dai co , nhung ngoi chua co nhu the nay .
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Đi Myanmar dễ mà, nếu có hộ chiếu VN. Và giá cả cũng rất rẻ nữa. Nên đến Bagan...

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm