"Chúng ta cùng ca hát, cuộc sống sẽ vui hơn"

.

.
Thứ 5, ngày 25.6, từ 15-17h, tại Viện Goethe Hà Nội, 56 Nguyễn Thái Học, NXB Tri Thức tổ chức buổi nói chuyện mang tên "Jason Gibbs và câu chuyện âm nhạc Việt Nam", diễn giả là anh Jason Gibbs, tác giả quyển "Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long", tôi - Nguyễn Trương Quý, người dịch, và anh Lê Tiến Đạt, thành viên ban nhạc rock Gạt Tàn Đầy.

Chắc chiều nay hoặc ngày mai sẽ có thông cáo của Viện Goethe gửi cho các bạn quan tâm. Buổi nói chuyện sẽ do bạn Phương Loan làm MC, sẽ là cuộc nói chuyện giữa các diễn giả với nhau nhằm làm sao cho các khách mời và người nghe cùng hiểu về một hành trình nghiên cứu về âm nhạc của VN, cũng như các vấn đề họ muốn đặt ra với các diễn giả. Bởi vì các diễn giả cũng đang... học từ họ mà thôi.

Các diễn giả rất muốn làm sao cho buổi nói chuyện thật thoải mái và sôi nổi, thay vì đọc những bài thảo luận dài ngoẵng và buồn ngủ.

Nếu ai cần thông cáo, xin liên hệ với NXB Tri Thức hoặc vào face book của bạn Nguyễn Phương Loan http://www.facebook.com/note.php?note_id=93998456956&ref=mf .

Các bạn quan tâm thì ủng hộ nhé!
.
THÔNG CÁO CHƯƠNG TRÌNH
JASON GIBBS VÀ CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC VIỆT NAM
Gặp gỡ tác giả Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long

Cuốn sách của Jason Gibbs, như tiêu đề phụ của nó – “Câu chuyện âm nhạc Việt Nam” - là một tự sự (narrative) về lịch sử, văn hoá Việt Nam mà tác giả đã lựa chọn một góc nhìn lâu nay ít được chú ý – âm nhạc - để quan sát. Không bám vào những biến cố, những sự kiện lớn trong suốt thời kỳ hiện đại, nhưng chính từ góc nhìn hẹp này, Jason Gibbs đã khám phá ra những yếu tố bền vững sau nhiều thăng trầm, những tiếp nối ngầm ẩn dưới bề mặt gián đoạn của văn hoá Việt Nam được phản ánh qua đời sống của những ca khúc, những thể loại nhạc, những gương mặt nhạc sĩ.

Cuốn sách không chỉ thể hiện lòng say mê, sự am hiểu của một nhà nghiên cứu nước ngoài về văn hoá, ngôn ngữ và âm nhạc Việt Nam mà còn cho thấy sự lao động công phu, tỉ mỉ để tiếp cận đối tượng của tác giả thể hiện ở nỗ lực sưu tầm, phục dựng một khối lượng tư liệu phong phú cũng như ý thức khắc phục định kiến khi mô tả, tái hiện những hiện tượng âm nhạc trong lịch sử. Chính điều này là một yếu tố quan trọng tạo nên tính thuyết phục của những câu chuyện âm nhạc mà tác giả kể. Cuốn sách cũng có thể xem như một tài liệu tham khảo trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá đại chúng (popular culture) - một lĩnh vực nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn trong việc khám phá trạng thái tâm lý, nhận thức của xã hội nhưng cho đến nay, vẫn chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam.

Nhân dịp Jason Gibbs trở lại Hà Nội, Nhà xuất bản Tri thức tổ chức buổi nói chuyện xung quanh nội dung cuốn sách và công việc nghiên cứu âm nhạc Việt Nam của một nhà nghiên cứu Mỹ, mối quan tâm của anh đối với âm nhạc Việt Nam. Những câu chuyện âm nhạc sẽ được tái hiện qua lời kể của Jason Gibbs cùng các khách mời như dịch giả, tác giả Nguyễn Trương Quý, rocker Tiến Đạt... trong một không gian đầy hình ảnh và âm thanh.

Đây là dịp để những người quan tâm tới âm nhạc Việt Nam, quan tâm tới văn hoá Việt Nam và công tác nghiên cứu văn hoá, sinh viên, giới truyền thông và công chúng nói chung... có thể hiểu hơn về góc nhìn của một nhà nghiên cứu bên ngoài Việt Nam.

Buổi toạ đàm được tổ chức tại Viện Goethe Hà Nội, 56 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, hồi 15h – 17h, thứ Năm ngày 25 tháng 6 năm 2009.

Xin trân trọng cảm ơn Viện Goethe Hà Nội đã hỗ trợ chúng tôi tổ chức chương trình này!
.
Jason Michael Gibbs sinh năm 1960, Ph.D of Music, hiện làm công tác thư viện ở Thư viện Công cộng San Francisco, California, Hoa Kỳ, chuyên về âm nhạc. Ông từng xuất bản những bài nghiên cứu về nhạc Việt trong các tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Xưa và Nay, Vietnam Cultural Window, Văn, Asian Music, Experimental Musical Instruments và Journal of Vietnamese Studies. Ông cũng soạn bài về Việt Nam và người Việt hải ngoại cho quyển bách khoa Encyclopedia of Popular Musics of the World (Continuum, 2005).

Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977, biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, biên tập, viết văn, viết báo tại Hà Nội. Anh là tác giả của Tự nhiên như người Hà Nội (NXB Trẻ, 2004), Ăn phở rất khó thấy ngon (NXB Trẻ, 2008).

Lê Tiến Đạt sinh năm 1976, hiện làm báo, chơi nhạc, và sáng tác ca khúc tại Hà Nội. Anh là thành viên ban nhạc rock Gạt Tàn Đầy với ca khúc nổi tiếng Đám cưới chuột.
.

Nhận xét

Nặc danh đã nói…
Tiếc quá đi mất! Mình lại không có mặt ở Hà nội thời gian này ! !
lvu đã nói…
Anh Jason có quẳng cho một cuốn. Đọc rồi, thấy bác ấy quả là đam mê và kiên trì. Chúc mừng cả 2 và chúc buổi giao lưu thành công nhé.
nguasat đã nói…
Hi Quý,
Mình thường xuyên đọc blog của bạn và rất thích. Về buổi tọa đàm, có cần phải vé hay giấy mời gì không? Mình hỏi vậy vì chưa bao giờ đi nghe nói chuyện ở Viện Goethe cả.
Unknown đã nói…
Bạn ơi, đến tham dự tự do, nhưng đến sớm để có chỗ ngồi và ăn bánh ngọt. :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm