Quảng Châu

.
Quảng Châu là trung tâm của vùng kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Dân mình sôi lên vụ vải Quảng Đông nhiễm hóa chất, cũng như tinh thần bài Tàu lên cao, có lẽ cũng nên tìm hiểu. Dân làm ăn đánh hàng ở VN chắc không lạ gì Quảng Châu.

Chuyến đi Quảng Châu có một bà chị chẳng hiểu là dân kiểu gì, nửa như sếp, nửa như mấy bà hàng buôn chuyến. Cũng không hẳn là đẹp, nhưng ngực to, dáng thể thao. Nói giọng kiểu quê quê, nhưng sắc lem lẻm biết đủ thứ thâm cung bí sử, từ cơ quan cũ là về mật mã quân sự cho đến các doanh nghiệp vừa chạy giấy hải quan. Anh T dặn, "bà L này kể gì thì kệ bà ấy nhé, đừng nói gì, con mẹ ấy mafia lắm." Chị L đi ôtô nằm sang Quảng Châu lần này là đi cho vui. Mình thì nghĩ, đại gia cũng càng phải tiết kiệm. Đến cửa khẩu Hữu Nghị thì gặp hai người nữa, là người quen của bà ấy. Tay này kém mình hai tuổi mà nó đã đi Quảng Châu vài chục lần. Hộ chiếu đầy dấu visa. Lần này, hắn sang để đặt thêm hợp đồng mở rộng dây chuyền sản xuất băng vệ sinh phụ nữ. Hai năm trước, hắn mở một nhà máy ở Hà Tây, hàng bán chạy quá nên giờ phải khẩn cấp mở rộng.



Hữu Nghị Quan thì nhiều người đã biết, thực tế cũng là một công trình không có gì đặc biệt về kiến trúc, ngoại trừ cái vòm cuốn thật lớn. Cách đó chừng ba trăm mét về phía cột mốc biên giới là một tiểu cảnh có hòn giả sơn lớn, trên có đề mấy chữ đại tự. Sau này, về nhà được bố vợ bạn Lâm cho biết đó là những chữ của tướng Trần Nghị - ngoại trưởng TQ thời trước. Ấn tượng của ba năm trước là bên TQ xây hoành tráng bao nhiêu, bên mình nhà làm việc của hải quan bé tí và lôi thôi bấy nhiêu.

Sau chuyến đi xe nằm êm ru từ Bằng Tường, xe đến QC lúc sáng sớm.



Sông Châu Giang - trước đây có phim Tình Châu Giang từng hút mắt người xem truyền hình VN. Nhưng cái sông hồi có phim ấy hình như không nhiều nhà cao tầng thế này.



Cây cầu sắt chắc có từ thời trước Thế chiến 2.



Và người ta vẫn luyện thư pháp bằng nước sông với cái bút khổng lồ. Chắc chưa thấy cái đường bờ sông ở VN lại có thể phẳng phiu được như ở đây.



Trạm điện thoại kiểu Tây cũng có từ thời Dân Quốc.



Quảng Châu năm 2006 có hai tuyến tàu điện ngầm. Ở đây mỗi ga có một đề co riêng, màu riêng và nói chung dù có do Tây làm thì vẫn thấy vô cùng sáng tạo và hiện đại chứ không kiểu cũ kỹ như Tầu xuất sang ta. Cũng tàu điện ngầm, nhưng ở Bangkok không lộng lẫy như ở đây.



Hệ thống mái che không tác dụng mấy nhưng hoành tráng.



Ga màu trắng...



... lại màu xanh. Còn có màu đỏ, đen và vàng. Nếu không có metro, mà không biết tiếng Tầu thì bó tay. Bởi lẽ xe bus thì có cả trăm tuyến, không luận được, taxi thì có giở bản đồ, tài xế cũng mất hồi lâu mới xác định được nơi cần đến nếu như không ở trung tâm.



Beijing Lu (Bắc Kinh lộ, hay đường Bắc Kinh) là khu phố đi bộ của QC, nơi đủ thể loại quần áo và hàng thời trang. Giá cả thực tế cũng không rẻ, trừ dịp sale off vào Giáng sinh. Nếu so với những vùng nông thôn TQ thì đây như là một đất nước khác. Gần như ai đến QC cũng đến Pẩy chinh lủ.





Giữa con đường là một khu vực khảo cổ được bảo tồn theo cách làm mặt kính thủy lực bên trên. Người ta có thể thấy các lớp nền đường của thời Đường, Tống, Nguyên, rồi Minh, Thanh... Thật ra người xem cũng chỉ cần ngó thế là đủ. Việt Nam sao không nhờ Coca Cola tài trợ mà làm cái hoàng thành Thăng Long thế này?



Tuy bán đồ hàng hiệu nhiều và quần áo đẹp rất sẵn, nhưng thanh niên TQ không phải ai cũng mặc đẹp. Nhưng những bạn nào đẹp thì đẹp như siêu mẫu vậy: dáng cao và vẻ nhanh nhẹn, mặt lại bí hiểm kiểu người Tàu. Mình vẫn tò mò về cái màn hình video ở lối vào cửa hàng trên, nó hình chữ nhật dài nhưng có ngăn đôi bằng 1 vạch, không rõ là màn hình to giấu bên trong hay là kiểu phân chia màn hình rời như ở các buổi hòa nhạc có màn hình ghép? Đề co thật sáng tạo - như có người đi song song với ngoài phố.

Quảng Châu là đất giang hồ tứ chiếng từ xưa. Thời Dân Quốc nội chiến, Tôn Trung Sơn chọn QC làm nơi đóng chính quyền. Tòa nhà quốc hội giờ làm bảo tàng Tôn Trung Sơn.



Khuôn viên nằm giữa bốn đại lộ lớn, phía sau là ngọn núi Diệp Tú, có công viên và bia liệt sĩ gì đó. Vì đi đã lâu, lại không có bản đồ để đối chiếu nên độ chính xác về địa danh xin bỏ qua.



Kiến trúc tòa nhà cũng đẹp, không kiểu nặng nề hoặc cổ kính quá.



Bên trong là hội trường 2000 chỗ. Mái lấy sáng khá tốt. Không thấy có những kiểu băng rôn đỏ lựng, đấy là điều đáng chú ý. Mình cũng chưa rõ thái độ của cộng sản TQ đối với Dân Quốc là bao nhiêu phần trăm đề cao, nhưng cảm nhận là những gì bày ở đây khá tôn trọng. Thực tế là đi trên đường QC ít thấy cờ quạt khẩu hiệu, cũng như chỉ thấy lác đác cảnh sát công an.





Bản đồ và ảnh Quảng Châu thời năm 1920. Bây giờ địa giới thành phố lớn gấp 5 lần như hình bản đồ trên. Thời gian có hạn nên cũng chưa đi được mấy.



Mặc dù hình dung là ông Tôn này có cái kiểu áo truyền thống nổi tiếng nhưng thấy tượng rất kiểu dân biểu phương Tây: ria mép tỉa, áo măngtô, tay cầm can. Trên mặt tiền tòa nhà có bốn chữ: Thiên hạ...? (chắc không phải thái bình, vì chữ thái giống chữ đại có dấu ở dưới).



Tấm bia này có nội dung dịch ra tiếng Anh ở bên cạnh, đọc hóa ra rất buồn. Nội dung ý là "tôi rất lấy làm hổ thẹn vì đã không làm tròn bổn phận với quốc dân. Hi vọng rằng những người sau sẽ làm được..."

Ở Quảng Châu, khu trung tâm có rất nhiều công viên. Đã nghe nói đến Hoàng Hoa Cương từ hồi đọc sách Từ Hy Thái Hậu của Mộng Bình Sơn, nên bắt taxi đến đó, gọi là Huanghua Gang (nhưng phát âm chẳng giống như đọc).



Tấm biển sơ đồ chỉ dẫn được làm hẳn bằng đá hoa cương đen, chỉ dẫn các khu mộ của 72 liệt sĩ, trong đó có Phạm Hồng Thái. Có bảng thông tin trưng bày ảnh các vị đến thăm, có cả bác Lương nhà ta.



Trung tâm là một đài tưởng niệm bằng đá hoa cương màu vàng, vì thế gọi là Hoàng Hoa Cương. Nói chung mình không thích các kiến trúc ở công viên này, là một sự lai tạp giữa kiến trúc Tây và Tàu, nhìn cũng chẳng hoành tráng mà lại quê quê. Được cái không gian sạch sẽ và ngay ngắn kéo lại.



Trên đài tưởng niệm có 72 viên gạch khắc tên 72 liệt sĩ hi sinh trong thời Dân Quốc, qua nhiều thời kỳ chứ không phải là cùng lúc. Năm 1988, người ta làm một phiên bản tượng Nữ thần Tự do đặt lên trên nóc.





Đây là mộ của một vị liệt sĩ là phi công lái máy bay quân sự người đầu tiên của TQ. Vì thế trên nóc cổng có hình hai cái máy bay cánh kép bà già, còn hai bên bậc thềm là hai quả tên lửa. Trông cũng thật thà.




Mộ Phạm Hồng Thái đặt riêng ở một góc. Không phải cả 72 vị đều có mộ xây thành đài, mà chỉ khoảng 20 vị được thế này. Còn lại có những khu xây kiểu xếp hàng.







Những cái mộ thì cũng chẳng có vị gì, có lẽ đẹp nhất là những con đường cây. Sao mà sạch thế không biết!

QC có một thứ nổi tiếng thế giới, đó là hội chợ quốc tế, mỗi năm 2 lần. Đến nay họ đã tổ chức được hội chợ lần thứ 110 rồi. Có lẽ đây là hội chợ hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, bởi TQ giờ là công xưởng của thế giới, không đâu sản xuất rẻ hơn đây, nên người ta về đây làm ăn là có lý do.



QC có hai trung tâm hội chợ. Trung tâm cũ ở khu phố cũ, cũng chật hẹp kiểu Giảng Võ nhà mình, nhưng hàng hóa đầy ăm ắp. Còn trung tâm mới, xây hiện đại ở một khu xa xa bên kia sông. Trung tâm này có kiểu kiến trúc cùng phong cách với sân bay mới, dùng hệ dàn lớn gây ấn tượng hình thức. Nhìn kỹ thì hơi giống cái bánh xích xe tăng!





Hệ thống đường dẫn vào có kết cấu lượn sóng hoành tráng. Để vào hội chợ, cần đăng ký trước qua website, khi đến chỉ cần mang tờ in ra là sẽ có ngay thẻ đeo, không cần hỏi han số má gì sất. Vào đến chỗ xếp hàng, thấy ngay cảnh tượng nhân viên làm việc nghiêm túc thế nào. Mỗi khi họ xong việc, lập tức họ đứng phắt dậy, giơ tay lên ra hiệu xung phong đón khách làm thẻ tiếp. Chỉ mất 5 phút là có ngay thẻ, cho dù chẳng nói với nhau được câu nào: nhân viên thì không biết ngoại ngữ, khách thì mù tịt tiếng Tầu. Có vẻ như đây chủ yếu là các tình nguyện viên, vì hội chợ mỗi kỳ diễn ra 2 phase, cách nhau 1 tuần.





Phía sau nhà triển lãm là sảnh hút thuốc.



Bên trong là một sân trời rộng, có các dịch vụ ăn uống. Băng tải xuôi ngược đủ kiểu. Có cả những sảnh ăn dành cho người đạo Hồi. Đang đi, thấy có những bác Ảrập khăn quấn đầu, nằm rạp ra một góc làm lễ.



Hệ thống tấm trần xếp theo kiểu domino.



Anh T muốn tham khảo về đồ chơi. Thôi thì đủ cả. Từ mô hình những ôtô nhỏ xíu đến cả những bộ áo giáp kiểu thời Trung cổ.











Những mô hình này đắt, vì sản xuất theo kiểu bán thủ công. Nhưng nếu muốn đặt hàng, số lượng cũng phải vài trăm chiếc trở lên. Ai đi tặng trẻ con một cái trạm bơm xăng làm gì nhỉ?

Quảng Châu là thành phố cũng còn nhiều khu cũ kỹ kiểu thời xưa. Các khu phố mới thì cũng như các đô thị khắp nơi, toàn bêtông kính thép. Nhưng bộ mặt đường phố thì rất sạch, ít thấy rác hay là ngồi chồm hỗm vỉa hè. Nhưng cảm giác lạnh lẽo, khô khan. Từ mặt tiền nhà cửa đến mặt người cứ bí rì rì, không có vẻ nhấm nháy "nhìn đểu" kiểu dân VN hay Đông Nam Á (hê lô mít tơ, xích lô ma đam...).



Một cái ngân hàng có kiến trúc cũ. Người đưa nước vẫn đạp xe thồ giao hàng nhé.



Phía sau là khách sạn mới.





Nhiều kiến trúc hiện đại khá ngon lành về hình thức. Nhưng nhìn đến cái thứ 10 đã thấy chán.



Cái này tình cờ phát hiện trên taxi. Mọi người có thấy cái nhà trung tâm thương mại hàng hải - Ocean Park ở ngã tư Kim Liên của ông Nguyễn Tiến Thuận thiết kế giống cái này không? Trước đây đã nghe có người nói là copy, nhưng chả biết có phải từ đây mà ra không. Nhưng nói chung cũng chẳng phải là những cái nhà hấp dẫn. Những cái băng ngang đều đều như tấm mành nhựa, buồn lắm.



Những cái nhà ở khu đô thị mới này thì đẹp. Đây là khu trên đường đi Thẩm Quyến. Thẩm Quyến cách Quảng Châu chừng 100km về phía Hồng Kông.



Ngoại ô đâu cũng kiểu nhà chuồng thỏ.



Giữa đường là thành phố Đông Quảng (Dong guang). Trên là Ủy ban hành chính, cũng kiểu kiến trúc khai thác truyền thống. Nhưng cái màu đá ốp, màu ngói đỏ và màu xanh kính nhìn quê. Đông Quảng được giới ăn chơi nói rằng là nơi nhiều "dịch vụ", Quảng Châu và Thẩm Quyến phải về đây tìm. Đông Quảng cũng là nơi có mật độ nhà máy nhiều nhất khu vực. Suốt con đường cao tốc từ QC đi TQ, tốc độ là 100-120km/h và chẳng có bóng công an nào.

Đi tàu QC-TQ chỉ mất tiếng rưỡi. Đường tàu khổ rộng nên toa tàu rộng hơn 40cm so với VN, các ghế ngồi quay vào bàn như ở canteen, nói chung là rộng rãi và lịch sự. Cứ nhìn nhân viên phục vụ đứng ở cửa giơ tay tiễn khách thì thấy. Ăn mặc như tiếp viên hàng không, mỗi tội mặt không biểu cảm.



Vì không có thời gian nên chỉ loanh quanh ở Thẩm Quyến một buổi. Khu vực trung tâm cũng xấu xí, toàn nhà cao tầng kiểu TQ, nghĩa là cứ kính nhôm cửa sổ và máy điều hòa san sát. Đại lộ thì kiểu palm-lined và người thì nhiều như kiến.





Mặc cho người qua kẻ lại vội vã, anh chàng sinh viên nhạc này vẫn réo rắt Torna a Surriento. Nhưng có vẻ không lạ. Ồn ào thế, ai mà kiên nhẫn được.



Viết bằng chân may ra còn có khách. Một tay nữa đâu nhỉ, giấu trong áo hay cụt?



Tay cụt ngón, chân bại liệt viết thư pháp. Cậu tùy tùng của chị L vốn dân học ở Quế Lâm nói, có khi bọn nó tự làm thương tật để kiếm ăn ấy chứ, bọn Tầu này kinh lắm.



Cậu đó dịch cái lời trong tờ giấy dưới chân ba đứa kia là: Chúng em là sinh viên trường... bị mất hết tiền, bố em ốm nặng, chúng em xin 500 tệ để về nhà... Trông bọn nó quỳ cũng thật chứ nhỉ?



Cả hội thấy có người bán những con ngựa vằn phi lóc cóc. Ngộ ngộ, lại rẻ, thế là mua...



...chứ chẳng thể mua Nina Ricci được. Nhìn gian hàng bày công phu thấy cũng ghê. Ở các tầng sale off, nhân dân nườm nượp trả giá. Tóm lại là ham mua sắm thì chết tiền. Cứ bảo đồ Tàu độc hại, nhưng các chị em nếu có lạc vào cũng hoang mang rồi tối mắt lại ấy chứ.



Lúc này trung tâm TQ vẫn còn đang xây dựng nhiều. Ấn tượng nói chung là một nơi để đi làm chứ không phải nơi để thưởng thức.



Quay lại nhà ga, lúc này đã tối. Cuối đường là cửa khẩu sang Hồng Kông, bên kia một con sông. Dĩ nhiên là mới chỉ đến tô giới chứ chưa đến khu trung tâm. Ở cửa kiểm soát, hàng đoàn dân Hồng Kông về nhà nghỉ cuối tuần sau ngày làm việc ở Thẩm Quyến. Tòa nhà đằng xa là khách sạn Shangri-La. Shangri-La ở giáp Tây Tạng (theo cách gọi của Tàu, chứ Shangri-La là sản phẩm tưởng tượng của James Hilton) thì mình đã đến, nghĩa là miền cực lạc. Nhưng rồi có ai ở lại mãi đâu. Đi mãi rồi cũng quay về, theo phát hiện của một đạo diễn phim trẻ VN.
.
+ Đã chỉnh sửa thông tin theo "Nặc danh", xin cảm ơn.
.

Nhận xét

lvu đã nói…
Hoành tráng nhỉ. Thế này bao giờ ta mới đuổi kịp?
Khuê Việt đã nói…
AQ sướng quá nhỉ. Toàn đi chơi. ;))
Unknown đã nói…
Có ý gì ở cái chữ "nhỉ" đây? Đây chỉ là đi sang hàng xóm thôi chứ không phải nửa vòng trái đất chín tầng mây anh đến cu ba một sớm ngày đâu... :-)
Nặc danh đã nói…
chú mày nhầm 1 chút, Tưởng Thống chế chạy Nhật, dời thủ đô về Trùng Khánh ""Thắng bất ly Xuyên, bại bất ly Loan" Tưởng khg thực hiện vế 1 nên đành dùng vế 2. Quảng Châu bị Nhật chiếm thì phải...
Nặc danh đã nói…
Bốn cái chữ ở trên là Thiên hạ vi công.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm