Giải nóng lâm thời
.
Hà Nội mấy năm gần đây bỗng nổi lên gây chú ý trong các bản tin thời tiết như một nơi có khí hậu khắc nghiệt, thay vì những mùa thu bàng bạc ám ảnh dài tập trong thi ca. Năm kia thì rét kỷ lục, năm ngoái mưa lụt cả tháng trời, năm nay vừa qua đợt nóng gần 40 độ C thì dự báo đã cho biết còn 7 đợt nóng dài hơi nữa. Hà Nội là cái rốn của đồng bằng Bắc Bộ, nơi điển hình về khí hậu nhiệt đới gió mùa, có lạnh thấu xương mà cũng nóng cháy mặt đường. Lạnh thì dù sao vẫn khiến người Hà Nội tự hào là thứ đặc sản mà dân Sài Gòn vẫn phải lụy, chứ nóng thì làm cho người Hà Nội thấy… thường. Trái đất nóng lên, Hà Nội nóng lên cũng là hệ quả tất yếu, nhưng cảm giác người ta càng mất kiên nhẫn hơn xưa, hễ nóng hơn bình thường vào đầu mùa là đã ca cẩm “sao năm nay nóng thế nhỉ?” Mặc dù nếu chịu khó ngó lại quá khứ, nhiệt độ nóng kỷ lục từng được đo là 42,8 độ C, tháng 5 năm 1926, lúc nhà máy còn lèo tèo và xe máy chưa xả khói mù mịt như bây giờ.
.
Nóng lạnh là cảm giác của con người. Trong không khí chật chội của vài chục mét vuông sinh tồn, của tắc đường và ngổn ngang xây dựng đào bới, của tăng giá xăng, của hoa quả dư lượng chất bảo quản gây ung thư… cái nóng như điên dại hơn, ngột ngạt hơn. Biểu nhiệt độ khí hậu dường như song hành với nhiệt độ thời sự xã hội. Trong cái nóng này, con người như dễ cáu kỉnh, dễ làm hỏng và dễ va chạm với nhau hơn. Nhưng Hà Nội đâu đã phải nơi nóng nhất quả đất, và nhiệt độ của những mùa hè nóng nực thế này chắc còn dễ chịu hơn so với thời không có máy lạnh hay tủ đá góp cho cốc nước mát lịm.
.
Các nhà sản xuất bắt trúng nhu cầu tâm lý được giải nhiệt của nhân dân, tung ra ngay những sản phẩm có quảng cáo không thể trực diện hơn như là “nóng trong người - uống trà thảo dược”, “điều hòa mát quá, chỗ nào cũng mát”, thậm chí còn rộn ràng phổ nhạc nữa. Mùa nào thức nấy, câu thành ngữ duyên dáng cũng có thể ứng với trạng thái quảng cáo của TV. Không chỉ nước giải khát hay máy lạnh chen nhau quảng cáo, mà dầu gội đầu cũng cho người mẫu bôi dầu gội như rắc tuyết lên tóc, hoặc dũng cảm hơn, cho Hồ Ngọc Hà bôi kem phơi nắng cả ngày không sợ đen da.
.
Dùng sản phẩm như thế thì cả đến thế kỷ nay vẫn không có công thức nào khác biệt, nhưng sản phẩm cứ đến hẹn lại lên như chuyện mùa hè vẫn mặc định là nóng ngút người. Người Hà Nội chẳng còn hơi đâu nhớ cái rét thấu xương mới cách đây chưa đầy nửa năm, mà bây giờ là cái nóng xen lẫn nỗi lo mưa ngập, những cái lo không thể nào cấp tốc hơn. Cuộc sống của Hà Nội diễn ra rầm rập hàng ngày trên đường phố, chỉ cần ra phố là thấy cái nóng như như nhân lên cái sự rầm rập, cái nhốn nháo của xe cộ và cái lo âu vốn dĩ đã bao trùm cuộc mưu sinh.
.
Đối diện với cái nóng hầm hập, con người ta tìm đủ mọi cách hạ hỏa, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn. Người ta chấp nhận làm việc cầm chừng hơn, viện cớ nóng quá để xí xóa cho cái sự giảm sút của năng suất công việc. Tất cả phập phồng thở chờ cơn nóng qua, như thể chờ kẻng báo yên máy bay thôi oanh tạc. Trong khi trời vẫn còn nóng, ai tranh thủ được việc gì thì cứ nhanh nhẹn mà làm. Dường như tâm lý ấy cũng chẳng riêng dịp này, khi cả thành phố ngập lụt hay là tê liệt vì sự cố gì đó, tất cả bấn lên như chạy loạn. Lâu lâu được vài dịp tập dượt như thế, người Hà Nội chợt nhạy cảm hơn bao giờ hết về sự dao động của thời tiết, cả phương diện khí hậu lẫn kinh tế-xã hội. Người Hà Nội bỗng thấy mình không theo kịp tiến độ thay đổi của thành phố mình đang sống, cái nóng năm này vẫn như cái nóng năm trước mà ngỡ là quá sức chịu đựng. Cái ngẩn ngơ như thể lạc thời ấy thực ra là cái sự “khớp” của ta trước hiện thực: hình như Hà Nội đang thay đổi không theo hình dung ta đã nghĩ. Công trình nào ra đời cũng khiến ít nhiều xôn xao, thậm chí có cái còn bị phản đối, lẽ nào vì chúng ta thiếu tầm nhìn hay là cái khuôn khổ hình ảnh Hà Nội trong ta đã không còn đúng? Hay thực ra là người thực hiện chúng đã không đồng hành được với số đông chúng ta? Cái nóng khiến ta thấy những mâu thuẫn, những bất hợp lý rõ lên mồn một.
***
Trong cái nóng gần 40 độ C, những hình ảnh vui vẻ hóm hỉnh nhất của dân Hà Nội vẫn là những phút giải quyết nhu cầu hạ nhiệt khẩn cấp thông thường như các bà nội trợ tận dụng nước rửa rau hay nước giặt té ra đường, người đi qua hồ Tây nhảy ùm xuống cho mát, cho đến bất thường như nhà nghỉ máy lạnh không còn chỗ trống ban đêm. Có kế hoạch hơn, các gia đình mua vé đi du lịch, thoát khỏi Hà Nội trong một vài tuần. Thành phố trở thành nơi khó sống chỉ vì nhiệt độ chăng? Vậy người dân của các thành phố nơi sa mạc hay băng giá ở các nước thì sao?
.
Người ta vẫn yêu nơi khó sống của mình, và chúng ta yêu Hà Nội vì nhiều lý do. Trong đó có tội lớn của thi ca một thuở là giấu nhẹm đi cái nóng oi ả, chỉ toàn “chiều thu Hồ Tây, mặt nước vàng lay”. Tôi đã phải bật cười với sự ngỡ ngàng của bao người lần đầu đến Hà Nội đúng dịp hè, bởi họ đâu có mong đợi một cái nóng hầm hập, ngột ngạt, oi bức, đến tận đêm vẫn nóng. Với họ, có giải thích bằng đủ lý do, nào là do độ ẩm cao, lại ảnh hưởng gió Lào nên hiện tượng tản nhiệt vào ban đêm khiến không khí như bị hấp hơi…, thì cái sự nóng của Hà Nội chẳng thể thông cảm được. Hà Nội với họ luôn là ngọt ngào hoa sữa, hương sen chen hương cốm, gió sông Hồng thổi dạt dào. Xin thưa là chúng tôi cũng lớn lên với khuôn vàng thước ngọc đó của Hà Nội thôi. Khác cái là có thấm thía cái nóng hun người, người Hà Nội mới thấy cái hơi may sang thu hay cơn mưa phùn ngày Tết nó sang cả thế nào. Có người nhận xét chả hiểu châm chọc hay khen: như thế là dân Hà Nội giỏi PR, giỏi quảng bá cái thi vị của thời tiết giao mùa kia đến mức cái nóng chẳng còn là đặc thù của Hà Nội nữa. Trong khi một năm Hà Nội 5 tháng mùa nóng, tức là mùa hè, áp đảo số tháng của mùa lạnh, nhất là hai kỳ xuân thu nhoằng cái đã hết, nhanh đến mức như chỉ lướt qua làm dáng.
.
Có lẽ không nên quên nhắc đến hai món đặc sản của mùa hè Hà Nội, cũng là những thứ giải nhiệt phổ biến, ấy là kem Tràng Tiền và bia hơi. Tại sao lại là kem Tràng Tiền? Hãy tưởng tượng có hàng kem nào ở Việt
.
Nhưng kem là thứ không ngồi lâu mà ăn được, ăn chậm thì chảy nước mà ăn hai que là “kịch đường tàu”. Thêm nữa, anh đàn ông dĩ nhiên là phải ngồi bên vại bia. Quán bia trong mùa nóng bỗng nhiên có vai trò kép: vừa là nơi có thức uống giải nhiệt hữu hiệu, lại vừa là chốn giải nhiệt những cái đầu nóng, những bầu tâm sự ngùn ngụt hảo hán lâm thời. Quán rượu Lương Sơn Bạc ngày xưa cũng như bia hơi Lan Chín, Dũng Râu bây giờ, không hiểu làm hả cơn nóng hay là ủ cho tăng nhiệt hơn? Người ta bỗng dưng thấy cái phong vị quen thuộc của các loại phiếm đàm, nhàn đàm hoặc đơn giản là nhờ cốc bia mà dễ nói chuyện với nhau hơn, những gì kiểu đàn ông nói chuyện đại sự. Lại nói chuyện hả cơn nóng, có những người phải tìm đến cách “hoành tráng hơn”. Đợt nóng cao điểm vừa rồi, 5000 cổ động viên đất Cảng vào sân Hàng Đẫy, đã phơi nắng hai tiếng mà lại còn phải chịu cái đau thua trận của đội nhà. Không biết đám này yêu bóng đá hay là mượn cái nóng mà chửi bới, đập phá, chặn đường, đánh lộn... đến mức bị cấm bén mảng đến sân khách vô thời hạn. Dân Hà Nội vốn đã oải với cái nóng gay gắt, nay có thêm danh mục thứ không nên đi xem khi trời nóng quá. Hay chính vì thế mà thủ đô có mỗi hai đội bóng chơi giải chuyên nghiệp thì cứ lẹt đẹt ở nửa cuối bảng chăng?
.
Nguyễn Trương Quý
TTVH cuối tuần 19.6.2009
.
Nhận xét
Chị rất rất thích tản văn của em. Hay lắm ý.