Mùa hè trong ta đã đỏ hoe

.
Không lẽ cứ mãi chủ đề cái nóng. Mùa hè không nóng thì có mà kiếm tiền đi Úc nghỉ mát. Nhưng cũng có mấy thứ phải đọc - không có con đường nào khác. Mỗi tội, đọc "Những huyền thoại" của Roland Barthes (Phùng Văn Tửu dịch, Cao Việt Dũng giới thiệu và tham gia biên tập cùng Thanh Thủy) thì cứ giả vờ mệt mệt là nhắm mắt ngủ sau khi đọc độ bốn năm bài. Vậy mà cũng đã kéo được 2/3 rồi. Đọc quyển này xin bỏ phiếu cho thái độ trắng trợn gần như là láo xược của tác giả với các "đại tự sự" - ôi cũng đến mệt với các thuật ngữ - đại để là "giải thiêng", nhưng giỏi cái là chuyện ba lăng nhăng nào ông này cũng viết ra triết. Khác với kiểu Trần Đăng Khoa hay Nguyễn Huy Thiệp, các bác nhà mình viết hay kiểu đâm phát hoặc hơi vô trách nhiệm với vấn đề phát hiện ra, dù rất thú vị. Chẳng hạn, chỉ nói tới chuyện cưới xin của các ngôi sao thời năm 1955 mà ông Roland này gợi ra được cả cách ứng xử phải phép của tiểu tư sản, hay chỉ từ cái bộ phim Jules César của Mankiewicz mà ông này lôi ra được hình ảnh có tính ký hiệu học: cái diềm tóc của tất cả các nhân vật như là đặc điểm nhận dạng dân La Mã, rồi mồ hôi được hóa trang bằng vaseline nói lên rằng các nhân vật đang suy nghĩ căng thẳng - một môtip suồng sã của Hollywood... Mà đúng thật, mình vẫn ấn tượng về những cái phim chủ đề La Mã của Mỹ ngày xưa, trông nam nhân nào cũng vạm vỡ, nữ nhân nào cũng đeo hai bâu vải bưng lấy vú, dân Latinh nhưng cánh mũi hẹp dí WASP, hai người đối thoại thể nào cũng có đuốc bập bùng trên các cột đá, thể nào cũng có cảnh dân La Mã tụ họp đông nghịt để chứng kiến một cuộc hành hình và hô "Sát!" như công an hô béc-giê nghiệp vụ tấn công... Đọc thú vị, nhưng đến già nửa quyển thì mình hơi bị bội thực.

Quyển thứ hai là Những di sản của ký ức, Pierre Nora biên soạn, gồm những tiểu luận về lịch sử và tập tục sinh hoạt của nước Pháp một thời đế quốc - mới đọc mục lục và một hai bài nên chưa dám luận. Nhưng có những chỗ đề cập đến di sản của tâm lý thực dân ở các thuộc địa, cái này chắc cần xem kỹ nếu ai nghiên cứu về ảnh hưởng của nền hành chính thuộc địa - mà VN nói chung có ảnh hưởng (đôi khi đang mong tái ảnh hưởng!)

Hai quyển đã đọc xong, vẫn mang ra đọc lại khi ngồi trong toilet (xin thưa là không hề bỡn cợt, vì trong đó là lúc tớ đọc được nhiều thứ phết, tớ có một cái giá để quần áo khô và khăn tắm nhưng bây giờ chất đống sách!) - Thấy PhậtHành trình cùng Hedorotus. Hai quyển này gồm những bài không dài, hợp với việc làm từng "set"... Nhưng tớ thích hai quyển đấy.

Mấy quyển sách kinh doanh, đọc cũng hay, nhưng chả nhớ được mấy. Hình như nhược điểm của những quyển sách đó là viết kiểu Mỹ, vấn đề được đặt ra và giải quyết trọn vẹn, trọn tình trọn nghĩa, đọc xong khoan khoái như mình vừa thắng vụ buôn chứng! Hay mình hời hợt, đọc cho biết tay là chính.

Bắt đầu đọc Bridget Jones' Diaries... Nhất thế giới của bác Nguyễn Lân Dũng mà mình xin em Loan em Thanh Tri Thức thì gợi lại loại tin tức đó đây báo TT&VH thời 15 năm trước. Dù bác ấy khá cẩn thận có đủ hình minh họa và nhiều mục thú vị, nhưng xin nhắc là có chỗ nhầm hay là lộn mục thì phải, những vận động viên nào tham dự điền kinh Olympic mùa hè nhiều huy chương vàng nhất có Carl Lewis, mà Paralympic cũng có Carl Lewis... Cũng thông cảm, vì loại sách này biên tập cực mệt, lắm khi tin tác giả mà chết đứng như Từ Hải. Bây giờ có Google, wikipedia, Britannica, Larousse đủ thể loại, bới tung lên khổ ngang với biên soạn.

Mùa hè đưa ta tới hồng hoang
Trần truồng yêu nhau trong trời đất
(Hạ hồng)

Nghe hai câu trên một dạo cười khoái chí tà dâm, nghe hai chị già Thu-Ly song ca Phạm Duy cũng lạ tai. Đang được rủ đi Nhật Lệ, nên chăng?
.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm