Quê

.


M

ỗi người Việt Nam đến năm mười bốn tuổi được nhận một tấm thẻ chứng minh nhân dân. Trừ những phần đặc điểm dị hình vốn chẳng mấy ai quan tâm như sẹo cách mày trái 2cm (sao cán bộ làm chứng minh thư lại tinh thế nhỉ), thì cái phần khiến chúng ta chú ý là địa chỉ và nguyên quán. Địa chỉ thì là thứ chúng ta biết rõ, đa phần là nơi ta đang sống, nhưng nguyên quán? Những người sinh ra ở thành phố, lại có hai ba đời ở Hà Nội chẳng hạn, cái nguyên quán xã A, huyện B, tỉnh C… lắm khi thật mờ mịt. Những ai dùng hộ chiếu thay chứng minh thư, lại đi nước ngoài nhiều, cái nơi chỉ quê cha này càng hiếm được nhắc đến.

.

Nếu căn cứ vào nguyên quán đó để nhận xét về cá tính hay đặc điểm xuất thân thì rất dễ nhầm. Có khi nguyên quán ở vùng đèo heo hút gió mà thực chất là nông dân cày đường nhựa, cả tuổi thơ trèo me ăn kem Bờ Hồ. Có khi nguyên quán quê dừa mà giọng leo lẻo Hà Nội vì ông nội tập kết hơn nửa thế kỷ trước. Nguyên quán là danh từ, danh từ ấy âm vang thế nào trong đầu mỗi người khi họ liếc vào cái chứng minh thư hay khi khai lý lịch (kiểu Việt Nam, vì khai kiểu Tây chỉ có quốc tịch là hết)?

.

Các bạn trẻ sinh những năm 1990 trở về gần đây, có bạn sinh ở Liên Xô, Séc hay một nước Đông Âu nào đó. Nơi sinh lúc này phản ánh xuất thân gia đình, bố mẹ là công nhân xuất khẩu lao động hay người đi làm ăn thời hậu bức tường Berlin. Còn quê, cái vùng quê mà nơi các ông bố ra đi mười mấy năm trước, có khiến các bạn ấy có cảm xúc gì không?


***


C

hục năm trước, trong phim Việt Nam, hễ nhân vật chính gặp khó khăn gì, là y như rằng anh chị ấy cắp gói về quê, để vùi đầu vào khóc trong lòng một bà dì hay nhẩn nha uống nước chè với ông nội giữa sân gạch. Hôm sau anh hay chị ấy sẽ trở về thành phố mà sáng láng thông tuệ. Cái quê hương lúc ấy thật đẹp, bình yên như đất mẹ tiếp sức cho Antaeus. Nhưng bây giờ xem ra hơi bị khó diễn môtip đó. Thế hệ thanh niên thành phố mới bây giờ nghĩ về quê lắm khi như một cái danh từ quy ước. Quê với họ là một nơi chốn thủ tục, có đám hay việc gì liên quan đến bố mẹ thì về. Quê nếu còn như ngày cũ thì là nơi xa lạ, từ lối sống đến cách suy nghĩ, họ chia sẻ được gì với những ông chú bà dì không thông cảm nổi cho đứa cháu cứ đáo về quê chưa ấm chỗ đã tót lên xe xuôi Hà Nội. Còn nếu mới, tân kỳ như thành phố thì họ chả có nhu cầu về làm gì. Cái danh từ “nguyên quán” trên tấm thẻ chứng minh nhân dân rút cục là cái ràng buộc cuối cùng và nhiều khi là duy nhất của cá nhân họ với địa danh xa lắc kia.

.

Ngày xưa nhà quê là cái gì đó thuần khiết và giữ vững các giá trị của lối sống truyền thống. Dù Nam Cao có chê nhà quê với đủ thói tật thì cùng thời, Nguyễn Bính vẫn say sưa ca ngợi. Thanh niên Hà Nội nghĩ về quê lắm khi mang thành kiến về chuyện các vị họ hàng lên tá túc nhờ vả những khi đi khám bệnh hoặc cần giúp đỡ đóng góp cho quê hương. Mặc cho bố mẹ hoặc các bậc bề trên dạy dỗ về sợi dây huyết thống cho đến phẩm chất nhân kiệt địa phương, quê hương thực sự không có ảnh hưởng bao nhiêu đến cuộc sống phố phường của họ.

.

Sao cần phải xác định rõ một cái quê nào, khi mà nhân thân con người được quản lý theo hộ khẩu, được đánh giá qua vị trí công tác, và nhiều khi, được kính nể vì chỗ đứng hoặc tiền bạc. Quê thực chất là dấu vết cách quản lý con người theo đơn vị làng xã nông nghiệp, nơi con người sinh ra, lớn lên và chết đi chủ yếu trong vòng lũy tre bao quanh làng. Quê nói theo kiểu văn vẻ sách giáo khoa, là nơi chôn rau cắt rốn, nhưng bây giờ toàn đẻ mổ ở viện C với Phụ sản, rau với rốn giao lại cho bệnh viện! Quê là nơi chính quyền phong kiến ngày xưa quản lý nhân khẩu theo cái kiểu suất đinh, đàn bà lấy chồng coi như ít hẳn việc tìm đường về quê mẹ. Dĩ nhiên ai cũng thuộc mấy câu thơ “chùm khế ngọt” của Đỗ Trung Quân, nhưng hình ảnh quê hương của nhà thơ là một ẩn dụ chung chung về một không gian thanh bình, thôn dã, ở vào một cái thuở nào như cổ tích. Còn quê hương của mỗi người chúng ta được ghi trong mục “nguyên quán” bây giờ là những vùng đất hoặc người ta đang vật lộn với cây, con, hoặc đang đô thị hóa, hoặc chả liên quan gì đến nhịp sống đô thị hối hả cả.

.

Một chị bạn tôi quen trên blog, yêu văn thơ và rất tinh tế trong cảm thụ, có bài viết thật cảm động mang tên “Quê hương ơi, tôi có nhớ người không?” Chị ở Sài Gòn nhưng khi gặp chị thì thấy nói giọng Bắc. Thời nhỏ thì học ở Hà Nội do bố mẹ tập kết, trong khi quê của chị lại là một tỉnh miền Nam Trung Bộ. Quê hương mà chị nhắc đến, là những vùng quê sơ tán, những kỷ niệm của thời mới lớn, những chợ Sủi chợ Keo. Người mẹ chị đau đáu nhớ về Nam, nơi ông bà ngoại còn ở lại. Còn chị bây giờ, sống ở Sài Gòn, chị lại nhớ những vùng đất miền Bắc mà thực chất chẳng được ghi gì vào chứng minh thư. Vậy là quê hương ấy biết xác định bằng cách gì nếu như ta phải đồng ý rằng quê hương là nơi ta xúc động và nghĩ đến đầu tiên?


***


N

ói đến quê, dễ bị dán nhãn hoài cổ và không hiện đại. Quê bị xem là cái gì đó thụt lùi so với thành thị, từ tiện nghi, kỹ thuật cho đến cách thức phục vụ nhu cầu con người. Quê là nơi mỗi con người phải tự phục vụ bằng đôi bàn tay của mình, gần như chẳng mấy khi được ngơi nghỉ. Thường người thành phố nhìn quê hương nếu có đẹp là cái đẹp của những cảnh bát ngát đồng lúa, hay mênh mông sông nước, hoặc hội hè đình đám chùa chiền này nọ. Còn quê hương của những khắc nghiệt lề thói, của vất vả cực nhọc bùn lầy ngày thường, cư dân thành phố thế hệ mới khó mà chia sẻ tự nhiên được. Sự tham gia của họ nếu có cũng lại rất “Tây”: nhập cuộc để thử sức, xem bản thân chịu đựng được đến đâu. Việc “ba cùng” hay đi thực tế ngày xưa cũng vẫn còn tự nhiên chán, những người trí thức lúc ấy cũng chia sẻ cảnh nghèo chung, và đa phần họ cũng mới thoát ly nông thôn chưa lâu. Còn thử nhìn đám 9x, sinh ra ở Tây, đến khi đi học mới về nước, lại sống trong các căn hộ chung cư đô thị mới hay nhà phố, khám phá đồng đất quê hương khéo cũng giống như đi “phượt”.

.

Quê đặt bên cạnh thành phố là hình ảnh có phần âm tính. Vì lẽ nó luôn gây cảm giác hoặc mềm mại dịu dàng, hoặc yếm thế trước cái ồ ạt vật chất của cơ sở hạ tầng đô thị. Quê hương là một vùng rộng lớn nhưng lặng lẽ, đang mất dần vị trí trong dòng thông tin truyền thông, mà truyền thông thực chất là sản phẩm của đô thị. Người thành phố mỗi lúc thấy quê hương là một nơi chốn đang tàn lụi, nhưng dường như họ không can thiệp vào quá trình đó. Dù cho họ có những mong muốn bảo tồn không gian xưa cũ, nhưng cái yêu cầu tiện nghi mà họ cho là văn minh dần tác động vào bộ mặt nông thôn, dần dà nơi này tiến lại gần đô thị. Ngày xưa việc về quê là một hành trình gian nan, xe đạp đèo nhau mướt mồ hôi, hoặc khổ sở với xe khách quốc doanh, thì quê thật xa ngái về địa lý. Bây giờ xe máy phóng nửa ngày về đến cổng làng, hoặc xe khách chất lượng cao mười lăm phút một chuyến, quê thật gần lại biết bao. Nhưng cái quê hương trong tâm tưởng, nghĩ đến kiểu “rộn ràng lòng con, đường quê mong nhớ”, đã mất hút nơi nào.

.

Hơn nửa thế kỷ trước, những nhạc sĩ tiền chiến và các nhạc sĩ sáng tác trong thời kháng chiến chống Pháp, đều phần lớn là dân thành phố. Khi đi chiến đấu ở xa nhà, hoặc tha hương cách trở, cái hình ảnh quê hương trong ca khúc của họ chủ yếu là… nhà quê: “Bên nương dâu đường xanh ngát, ta về đây chiều mơ gió mát” (Tình quê hương - Việt Lang) hay “Chinh chiến mắt quay về bến cũ làng xưa, chiều lên mờ trong khói súng” (Quê hương anh bộ đội – Xuân Oanh). Thi vị cảnh quê hương là một chuyện, nhưng rõ ràng khái niệm quê hương khi ấy là một chốn bình yên để quay về, để “xây lại mộng đẹp”. Còn thời bây giờ, nhớ quê hương sẽ là nhớ một cái gì không định hình được, những đứt đoạn như “ôi quê tôi không còn mái nhà… tìm lại bài hát quê mình trong điệu múa cánh cò song tình lả lơi” (Ôi quê tôi - Lê Minh Sơn).


***


N

hớ quê hương bây giờ cũng có thứ chung với “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, ấy là chuyện ăn uống. Nhớ thế nên Hà Nội bây giờ say mê món quê trong bộ áo tứ thân trong quán Ngon, còn Sài Gòn thì la liệt lẩu cá kèo với ẩm thực khẩn hoang. Quê bây giờ lại mang tín hiệu là đồ sạch, là sản phẩm không pha chế, không “đánh thuốc”, cho dù thuốc trừ sâu và cám tăng trọng sử dụng vô tội vạ. Người thành phố phát sốt phát rét với những kiểu đồ quê không thể quê hơn như “cơm nương, lợn mán, gà đồi”. Người ta còn vần vè thêm khoản thứ tư, “gái quê”. Bao nhiêu phẩm chất vốn mặc định của nhà quê được các thương lái khôn ngoan tô đậm thành hàng hóa: đồng nội thì an toàn, ngây thơ là thật thà không xiên xẹo, chăm chỉ thì nhân công rẻ, lại hạ giá thành.

.

Tấm chứng minh thư đối với người dân quê, nhất là người có tuổi, chẳng có ý nghĩa lắm vì họ gần như không đi đâu xa. Quê họ là đấy rồi, chẳng phải nhắc nhở gì. Còn dân thành phố mới bây giờ, đi lại búa xua, may chăng cầm cái thẻ lên khi xuất trình check-in lên máy bay hoặc ra công chứng, mới giết thời gian bằng cách liếc vào mà khẽ kêu “à, ra quê mình tên là thế”. Nhưng xem nhé, rõ ràng khai báo “Hỏi quê, rằng: huyện Lâm Thanh cũng gần” ấy vậy hóa ra lừa đảo. Trong khi Bùi Giáng nhại lại “Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa” thì bây giờ, lúc nào cũng dễ gặp thơ ông véo von giữa phố Sài Gòn!

.

Nguyễn Trương Quý

Thể thao & Văn hóa cuối tuần, 5.6.2009

.

Nhận xét

Nặc danh đã nói…
Được đất mẹ tiếp sức hình như không phải Atlas mà là Antaeus.
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Oh, lúc đã đăng bài rồi, trên đường cũng phân vân nghĩ hình như phải check lại. Y như rằng mình đã nhầm! Cảm ơn nhé. Đúng là thần Antaeus, cũng con của Gaia Mẹ Đất, đọc thần thoại Hy Lạp xưa hay dịch là Ăng-tê, bị Heracles (Hercules) nhấc bổng lên nên thua.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm