Cẩm Phả

...
Cẩm Phả là thị xã nghe tên đã thấy có màu đen, đương nhiên là vì than. Thị xã có chiều dài nhất VN này trải dài chừng gần 20km theo một dải hẹp, một bên là vịnh Bái Tử Long, một bên là dãy núi toàn các mỏ than lớn nhất VN. Ngày xưa đây từng là cái nôi công nhân VN, cũng như là cái lò cách mạng. Bây giờ đã ngớt, nhưng vài năm trước đây là nơi có tỷ lệ nghiện hút ma túy và HIV cực cao. Anh bạn nhà bố mẹ ở đây kể, may mà đi học ở HN từ sớm, chứ giờ khéo cũng chẳng biết thế nào! Mỗi lần về quê lại thấy ở nghĩa địa la liệt vòng hoa trắng, thể nào cũng có ông bạn thời phổ thông giã từ dương thế. "Bọn bạn gần như chết hết cả rồi." Nghe đến rùng rợn. Nên nói chung khi về đây chơi, đều được khuyến cáo nên để người nhà đèo đi, và nói chung là cẩn thận. Tuy vậy, thấy người ta vẫn sống vui vẻ, chợ búa nhộn nhịp, khẩu hiệu vẫn nhiều, nghĩ cũng chỉ là cái quán tính lo lắng mà thôi.



Thị xã chả có kiến trúc gì đáng kể. Trên là trung tâm thương mại của một tay tư nhân, chụp từ cửa Hapro - siêu thị duy nhất ở Cẩm Phả. Có một số trụ sở sở than Pháp cũ hay trường dòng thì cũng bị chen chúc với nhà dân tự phát. Tiếc rằng không chụp lấy một kiểu nhìn thị xã từ trên đồi Mông Giăng xuống. Mông Giăng thực ra là Mông Răng. Đầu tiên nghe vậy cứ nghĩ là một cái tên Tây, vì Mông có vẻ là Mont (núi mà), còn Giăng thì chắc thôi rồi là Jan van Jean. Nào ngờ, mấy chị em ông bạn kể là leo núi ấy khó, cứ mông người trước chạm răng người sau. Thế là thành tên.



Đường đi lên quả núi này qua trụ sở công ty than Đèo Nai. Trên là trường trung cấp nghề hay cấp ba gì đó, nguyên là một cái trường dòng. Trường phổ thông chuẩn của TX nằm ở dưới phố chính.



Bên cạnh lối lên trường là dốc Thông. Nhưng chẳng có cây thông nào. Leo lên trên cao thì như là lạc vào khu ghetto vậy, nhà cửa nhốn nháo ngoắt nghéo dốc ngang dốc ngược, chả khác khu Thanh Lương đê Trần Khát Chân gì cả.



Đi một chập mới thấy một cái nhà kiểu cũ. Đây là phố Nguyễn Du giao với Minh Khai. Nói chung chẳng có quy hoạch gì. Ở một quảng trường lớn trước cửa Hapro, một công ty than từng bỏ ra tiền tỷ và mất 3 tháng để đắp một quả núi, chắc định làm biểu tượng cho núi than, nhưng sau chướng quá, cho dỡ đi chỉ trong 3 ngày!



Đâu cũng có dấu ấn văn hóa công nhân. Đây là rạp chiếu bóng công nhân Cẩm Phả, xây vào thời cuối những năm 1950. Dễ nhận ra phong cách chiết trung thời đó với những đường mi cửa, các phân vị đứng tạo ra vẻ đĩnh đạc, tuy trông cũng buồn tẻ. Mọi người bảo điện ảnh VN chiếu xong cất vào kho là sai. Ở đây vẫn còn đang chiếu Em muốn làm người nổi tiếng. Mình có hân hạnh được quen em viết kịch bản phim này, một trong những phụ nữ năng động nhất mình từng biết, nhờ viết kịch bản chăm chỉ mà đã mua được nhà và sắp mua xe! Trong khi từng cùng làm chung êkip, mình một tháng chưa xong một tập, em này đã cùng một lúc viết được 3-4 tập cho mấy phim đồng thời!



Công trình có giá trị kiến trúc nhất theo ý mình ở Cẩm Phả, có lẽ là trường Mẫu giáo Hoa Sen. Tự khoe là mình có mắt nhà nghề, đi qua dò hỏi ông anh chở đi, đây chắc là được viện trợ? Y như rằng, đúng là công trình do Thụy Điển viện trợ, có thiết kế Tây có khác, nhìn đơn giản mà ra một không gian sống có tổ chức, có đường nét ngay ngắn. Cách họ làm mái tôn với lan can sắt cũng đã khác VN mình, mảnh mai mà nhẹ nhõm.



Công trình nhà thờ mới tỉnh tình tinh này được thợ Nam Định xây, hết có 7-8 tỷ. Nếu mà rơi vào tay nhà nước, không biết có dừng ở con số đó không? Nhà thờ không diêm dúa nhưng mà xây rất nghiêm cẩn.



Họa tiết ít nhưng làm đâu ra đấy. Dĩ nhiên là thức kiến trúc cổ điển châu Âu đã đầy quy phạm, chỉ cần thuộc lòng là làm đúng vở. Nhưng VN mình đến bao cái của Tây bê về mà có làm đúng được đâu!



Chắc cái tượng thiên thần cầm khay nước ở cửa là để con chiên xức làm dấu?



Nội thất cũng khá bắt mắt. Nhà thờ này tiền công đức chủ yếu là do một bộ phận lớn giáo dân là dân vượt biên thời những năm 1980 đi Hồng Kông, Ma Cao rồi sang Anh. Chẳng hạn dân Cửa Ông đến 3/4 là có người nhà Việt kiều. Cho nên nhà cửa vùng này cũng hoành tráng lắm.



Nét độc đáo nhất có lẽ là hệ trần ốp bằng những thanh nhôm 10cm. Các sườn cong được làm bằng các ống tre già chẻ đôi, hơ lửa uốn cong. Phục cái sự sáng tạo của thợ nề khi các thanh nhôm khít vào nhau và cong vỏ đỗ.



Bàn thờ cũng đẹp, hoành tráng và lộng lẫy như những bàn thờ Chúa ở nhiều nhà thờ mới xứ đạo miền Bắc.





Cái ghế làm mình nhớ đến những bộ phim châu Âu làm về chuyện cổ tích. Có bà tiên hay con ma nào sắp ra ngồi...

Ra Cẩm Phả thì dĩ nhiên phải ra vịnh. Nhưng đợt mình đi không thuê được tàu nên chỉ ở trên bờ.



Bến Do là điểm du lịch lớn của thị xã. Nhưng cũng không tắm được vì nước đục và rác nhiều hơn cát. Trên ảnh phía xa có cái đường ống của nhà máy ximăng Cẩm Phả, nhà máy XM lớn nhất VN nay mai.





Đại khái Bến Do cũng chỉ có một khu toàn quán bạt, hát karaoke với dịch vụ ôm. Ở Cẩm Phả số lượng đàn ông áp đảo phụ nữ vì chủ yếu là công nhân mỏ quê khắp miền Bắc về đây. Có một nhà máy giày thì nhiều công nhân nữ hơn. Công nhân mỏ hiện tại lương cũng khá cao, trung bình 4-5tr/tháng. Nhưng nhiều anh cũng không dành dụm được mấy, vì đời sống cũng buồn, chỉ có nhậu nhẹt và gái gú. Đấy là còn chưa kể đến chích hút... Dân Cẩm Phả lại có tiếng ăn chơi bốc trời, do buôn bán và làm than thổ phỉ mấy năm trước dễ dàng ra tiền, nhiễm vào tính tình của thanh niên và dân trung lưu. Nói chung dân Cẩm Phả có vẻ tiêu pha hoành tráng hơn dân Hòn Gai, và cảm nhận là ở đây có sự mua bán, kinh tế có sự phồn vinh thực sự. Ra chợ thì biết, ê hề hải sản và đồ ăn... Chứ không như Nam Định chẳng hạn, một cái thành phố dường như chẳng ai ăn được của ai.

Đi quanh TX, thấy nhiều biển quảng cáo của công ty INVESCO. Rồi câu chuyện của mấy ông bên chén nước hay chén rượu cũng lại về chủ nhân của nó - một tay tên là Cường gì đó. Đại để khi dân CP còn mải nhặt nhạnh thì hắn đã thầu cả khu Mông Giăng để lấy cớ là dọn bãi thải (các mỏ than thường thải ra lượng đá thừa khổng lồ), thì hắn vét được ít than dư, còn lại mang ra biển, lấn đất san nền phân lô thành khu đô thị mới. Tóm lại là nhân vật này thành biểu tượng của CP. Phải nói là làm cho đời sống kinh tế xã hội TX sinh động hẳn lên. Bến Do được mở mang cũng nhờ vào việc cạnh khu đô thị mới vừa nói.



Cẩm Phả còn có một điểm chơi nữa là Vũng Đục, hay Bến Đục. Được biết vào thời những năm 1951-1952, Pháp khủng bố trắng phong trào công nhân, du kích, và từng giết năm nữ du kích cho vào bao tải ném xuống Vũng Đục. Có thể hình dung đây từng là mỏm núi sát biển. Nhưng bây giờ bờ biển đã lùi ra xa chừng vài trăm mét. Được giới thiệu rất hoành tráng, đến nơi cũng có cáp treo. Nó như trên ảnh, do một công ty tên Đông Hà đứng ra thầu cả khu.



Vào hang cũng như mọi hang khác.







Có mấy chỗ cũng gõ vào ra tiếng thánh thót như chuông, như đàn t'rưng. Có chỗ nước đọng thành bể như bồn tắm.



Nhưng từ trên các cửa hang thì có thể nhìn ra cảnh cảng Vũng Đục.





Khung cảnh khá đẹp, tàu thuyền nhộn nhịp san sát, núi đá vôi lô nhô. Nhưng đáng kể nhất là thấy được toàn cảnh thị xã:



Phía sau là quả núi có mỏ than, những vách taluy vát tạo thành các đường dốc cho xe đi lên mỏ, gọi là đường moong. Đây là những mỏ lộ thiên, nằm giữa các mỏm núi, sau nhiều năm khai thác, tạo thành các đường xoáy trôn ốc đi xuống dưới đáy, có những mỏ âm đến gần 200m dưới mực nước biển.



Thấy mấy anh chị đi cùng chỉ bãi than ngay dưới chân núi Vũng Đục là bãi thổ phỉ. Còn dưới đây là hình toàn cảnh, do khuôn khổ màn hình nên mình chỉ để max=800 pixel.



Ngày hôm sau đi Cửa Ông, Vân Đồn (nhoáng qua thôi) và đi vào hai mỏ than lộ thiên lớn nhất VN nhờ sự dẫn đường của một anh làm bảo vệ của công ty. Đấy mới là chuyến đi thú vị.
...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm