Phi nội trợ bất thành phu nhân

Nói đến “công, dung, ngôn, hạnh”, đa phần chúng ta đều công nhận là tốt đẹp. Nhưng thử nghe một thí sinh lọt vào ứng xử thi hoa hậu mà cứ khăng khăng bảo phụ nữ hiện đại phải không được làm suy suyển tứ đức trên, thì phản ứng của chúng ta sẽ cho là cô nàng học vẹt, hoặc là nói lấy lòng ban giám khảo.

Tứ đức thốt ra từ miệng hoa lại chẳng lẽ như một loại sáo ngữ vậy? Có vẻ cụm từ này gây cảm giác cổ hủ kiểu tàn dư phong kiến, như một loại phân công lao động của thời người phụ nữ chỉ cắm mặt trong bếp. Nói đến chữ công, phẩm chất hàng đầu trong tứ đức, ta dễ bị suy diễn rằng bảo thủ. Ấn tượng rằng tứ đức gắn chặt với tam tòng cũng dai dẳng như việc cặp bài trùng này đã được nhắc đi nhắc lại suốt hai nghìn năm trăm năm nay kể từ thời Khổng Tử.

Thời hiện đại đã làm thay đổi tất cả. Những gì cực nhọc nhất thì có máy móc. Quần áo có máy giặt. Cơm không cần nổi lửa cũng chín. Những gì khô khan về mặt tinh thần thì có hàng tá cẩm nang giúp biến thành “nghệ thuật sống”. Nhờ tiến bộ khoa học và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, chữ công thoắt trở nên nhẹ nhàng, như một yếu tố làm duyên cho hình ảnh người phụ nữ. Thời gian biểu của người phụ nữ được san nhiều hơn cho dung, ngôn, hạnh.

Thế nhưng cánh đàn ông vẫn có vẻ dậm chân tại chỗ về khoản nhận thức này. Trong đầu họ vẫn là hình ảnh của người mẹ, người vợ tháo vát, vun vén chăm chút cho tổ ấm. Cho dù phụ nữ bây giờ có đến trăm cái máy làm thay việc nhà, thì anh đàn ông vẫn mặc nhiên gắn họ với hình ảnh bà nội trợ truyền thống. Hình như là cảm nhận về đồ home-made đối với đàn ông vẫn có sức nặng hơn một bữa ăn nhà hàng, bởi vì đàn ông đánh đồng đức tính dịu dàng và vẻ đẹp nữ tính với sự đảm đang nơi bếp núc. Đàn ông hay ai cũng vậy, lúc nào chẳng lặn lội đi tìm cái nửa kia của mình, cái nửa mà họ thiếu hay là thuộc về thiên chức. Thực ra đàn ông nấu ăn đâu có dở, bao đầu bếp nổi danh toàn là nam giới, hoặc bét ra anh ta có thể thuê người phục vụ. Nhưng vì sao mà, một cô vợ cứ phải biết nội trợ mới thành vợ? Chắc ai cũng biết câu chuyện anh Chí Phèo của Nam Cao, vụng dại xấu xí cỡ Thị Nở mà cũng hóa duyên dáng nhờ bát cháo hành. Một đôi bàn tay đảm đang dọn mâm cơm chu đáo phát ra tín hiệu an toàn cho anh đàn ông, nhắc anh ta rằng đấy là nơi trú ngụ bình yên kiểu “mọi cơn bão đều dừng sau cánh cửa”. Thực tế hơn, phương Tây răn nhau: “Đường đến trái tim người đàn ông đi qua dạ dày”.

Nhưng ông trời không đúc sẵn phụ nữ khéo léo như nhau. Công là phải công phu học, phải có luyện mới thành. Không có người phụ nữ vụng về, chỉ có người phụ nữ không chịu sửa mà thôi. Người ta có hàng tá tính từ chỉ dành riêng cho phái nữ kém đường công: đểnh đoảng, vụng thối vụng nát, đoảng vị, quạ mổ… Nhưng việc lo bếp núc cho đến quán xuyến gia đình cũng chẳng thể học vài khóa căn bản là xong, nó là cả một quá trình thực hành để trở thành kỹ năng sống tự nhiên. Các bà mẹ chồng càng ngày càng ít ảnh hưởng hơn, nhưng lúc này các chị em lại phải đối diện trực tiếp với trách nhiệm của mình. Các “cô dâu siêu thị” không khó để bỏ thời gian để đọc vài quyển sách nấu ăn hay giản dị là xem công thức chế biến vốn tràn ngập nơi nơi, chỉ dẫn chi li từ thìa muối đến lạng thịt. Cái mà họ cần có lẽ là một sự ý thức về sức mạnh mà công việc nội trợ đem lại cho gia đình. Xem nhẹ yếu tố này, những cô gái xinh đẹp tự tước đi vũ khí quan trọng bậc nhất trong việc giữ chân đàn ông. Trong khi chưa đến thời chữ công không còn xây dựng nên hình ảnh người phụ nữ, thì xem ra chị em chẳng có cách nào thể hiện tình yêu thực tế hơn là… lăn vào bếp.

Nguyễn Trương Quý

Tuổi Trẻ thứ bảy 2.5.2009

Nhận xét

lvu đã nói…
Theo tớ thì bây giờ là cái thời không chỉ mỗi phụ nữ cần lo giữ chân đàn ông mà đàn ông cũng phải lo giữ chân phụ nữ. Mà hình như đàn ông còn phải lo nhiều hơn thì phải? Chị em là dễ siêu lòng và dễ hư hỏng lắm đó. (Tớ vừa đọc nghiên cứu chỉ ra chị em chẳng kém gì anh em trong vụ này).
Nặc danh đã nói…
Những gì Q viết ở trên nó giống y xì xì ông chồng mình. Có lần ngồi xem TV, thấy bà Dõan Cẩm Vân dạy nấu ăn trên truyền hình, ổng nói như vầy nè"Ai làm chồng bà này sướng thiệt, suốt ngày được ăn ngon", nghe thấy nhột nhạt dễ sợ!

Mình thấy nhận xét của Lừng chỉ đúng với một thiểu số chị em thôi, những phụ nữ tự tin và có lẽ đang ở giai đọan xuân sắc. Còn thì mình thấy xung quanh mình tòan là chị em phải lo giữ chân chồng không hà, mà sao ở VN bây giờ đụng tới cái gì cũng thấy dính tới "ôm" thấy gớm luôn.
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Chị Trang cứ bình tĩnh đi ạ, vợ hơn "ôm" ở chỗ là người trấn giữ bếp nhà. Nói chung cũng chả biết thế nào nhỉ, con người tham lam quá...
Nặc danh đã nói…
Chi Trang hình như nice quá rồi. Ông V nhà chị rõ là may.

Em thấy đàn ông bên này khổ thấy mồ, kể cả đàn ông bảo thủ Á châu như Nhật với Việt. Em đang sợ không biết có nên đưa chân vào rọ không đây nè.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm