Quan trọng!

.

Tôi nghiệm ra một điều là mình cực kém khoản thủ tục khi đi làm các công việc xin dấu má hay đăng ký với các cơ quan công quyền. Chẳng hạn mua xe máy lần thứ hai mà vẫn như chưa từng bao giờ làm, đụng đến cái gì cũng như mới. Bỏ qua việc phòng đăng ký chuyển về Hà Đông, tức một nửa thành phố Hà Nội mới, còn thì các việc khác vẫn chỉ từng ấy thứ, vậy mà vẫn lơ ngơ như bò đội nón.

Nhưng hóa ra khi đến điểm nộp thuế trước bạ chẳng hạn, tôi mới được an ủi là mình không phải thiểu số. Ai cũng mắt tròn mắt dẹt hỏi nhau làm thế nào, ai cũng sợ mình làm sai. Thật chẳng khác cảnh tượng sắp thi vấn đáp. Chúng tôi hồi hộp nhìn các cán bộ đi lại, trông họ thật quan trọng như các thầy giáo sắp đánh trượt chúng tôi đến nơi. Việc của mình có nhanh hay không, chắc là nhờ họ.

Công sở tiếp dân bây giờ có cả máy lấy số, bảng điện tử như khi xếp hàng mua vé máy bay. Tôi rút được thứ tự mình là 72, còn 19 người nữa mới đến lượt. Trên bảng điện tử là số 52. Hai chị phụ nữ sau tôi rụt rè hỏi han lấy tờ khai ở đâu. Các chị thật cẩn thận, bán xe máy cho nhau nhưng chịu khó đến để nộp thuế sang tên. Tôi chỉ vào gặp người cán bộ ngồi ở bàn đầu trong phòng. Một chị ngạc nhiên: “Thế mà đọc thông báo nói lấy giấy để ở ngoài, hóa ra vẫn theo kiểu xưa”. Như thể chứng minh trực cảm của chị là đúng, tôi phát hiện ra số đếm trên bảng điện tử chẳng nhúc nhích gì, cũng như loa im tiếng, mặc dù có vài người đi vào từ nãy đến giờ. Hóa ra mạnh ai nấy vào, bàn nào trống thì vào ngồi. Có hai bàn tiếp, ngoài người đàn ông còn có một cô gái trẻ đang tiếp một người đến nộp thuế một danh sách xe hơi. Cô cán bộ này có lẽ ý thức mình được mọi người chú ý, mà quả thật, khá xinh, màu áo xanh biếc và đôi môi đỏ làm cho cô dường như là bông hoa của căn phòng, nơi ai cũng lẫn vào cái uể oải và vô sắc của giấy tờ tài liệu.

Tôi xong thủ tục bên bàn một thì hai chị phụ nữ cũng vào bàn hai, chỗ cô “xinh nhất phòng” kia. Chẳng hiểu chị phụ nữ lóng ngóng thế nào mà khai chưa đủ. “Xe của chị là xe gì?” Một chị nói “xe máy nữ.” Giọng của cô cán bộ cao hơn: “Tôi hỏi xe của chị là nhãn hiệu gì ấy?” “Yamaha.” Mọi người hồi hộp vươn cổ ngó vào cửa phòng. Đến đây thì giọng cô gái véo von lên hẳn vài tông như để giảng cho những người bên ngoài: “Yamaha cũng như cái họ của chị là họ Hoàng ấy. Còn tên chị là gì cũng như nhãn hiệu xe ấy. Chị hiểu không?” Hai chị phụ nữ bối rối. “Thôi, chị ra xem lại tem xe mà khai lại vào đây.”

Hai chị gái quay ra, ừ thì ra là phải khai rõ xe Cygnus hay Force chứ, như tên tớ là Ngọc tên ấy là Ngà. Lát sau, cô gái xinh kia đi ra khỏi phòng để giải lao, nhún nhảy vui vẻ như một bông hoa xinh tươi ở cái chỗ buồn tẻ này, để cho mọi người ngẩn ngơ nhìn theo.

***

Thật ra cô áo xanh môi đỏ ấy chỉ có khác thường ở chỗ góp phần tạo nên màn đối đáp sống động. Trách nhiệm của cô đến thế là hết. Hai chị gái kia điền sai thì lỗi chẳng phải của cô. Nhưng biết làm thế nào khi người ta đến một nơi mà không phải ai cũng nắm rõ cách thức làm, mà nguyện vọng của người dân là được giúp đỡ để cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin. Đấy mới chỉ là mức căn bản của sự phục vụ. Chưa hết, trong Pháp lệnh cán bộ, công chức còn xác định mức độ phục vụ là phải “tận tụy” và “tôn trọng nhân dân”. Thế mà sự lạnh lẽo và cao giọng của cô cán bộ đã đủ để làm những người đến làm thủ tục hốt hoảng.

Nghĩ đến công chức, chúng ta hình dung ra những người ngồi ở các bàn giấy mà ta phải cần đến mỗi khi có việc đề nghị họ “phục vụ”. Nhưng đa phần chúng ta vẫn tự nhủ cố gắng làm sao ít phải gặp họ càng tốt, vì chúng ta hay có thành kiến về sự quan liêu, cửa quyền và vô số điều khó dễ của giới “công bộc” này.

Nhưng đố ai định hình được cái sự gây khó dễ, cho nên giới công chức - vốn thạo luật hơn – cũng chẳng thấy chết ai. Cho rằng sự ù lì và già nua là đồng minh của bệnh cửa quyền, các cơ quan dùng biện pháp trẻ hóa. Nhưng người trẻ đi làm công chức hẳn biết rõ tương lai: hoặc tiến thân thành quan chức theo thang bậc sau nhiều năm, hoặc chết dí mãi ở cái bàn giấy tiếp toàn những người đi làm thủ tục hành chính mà lớ ngớ thế này. Trước thái độ cầu khẩn có phần lo lắng thái quá của người dân đến công môn, thái độ của công chức trẻ sẽ thế nào hay là thấy, à thì ra mình cũng có quyền hành, cũng có thể dễ dàng nạt nộ hay tỏ thái độ nặng nề với các đối tượng chẳng mấy khi dám cãi lại. Sự dễ dàng này mới gớm làm sao! Nhất là khi cái tự ái của một kẻ trẻ tuổi được ngồi vào vị trí ảnh hưởng đến quyền lợi hành chính của bao người khiến viên công chức này thấy mình quan trọng.

Tính từ “mẫn cán” từng được gắn chặt với danh xưng công chức, đã mang một nghĩa châm biếm khi ai cũng chỉ quan tâm làm sao cho việc chốn công môn trót lọt. Đến nỗi mà nói đến “có khó khăn” thì ai cũng nghĩ ngay đến cần sự bôi trơn cho hết ma sát, những thứ như bồi dưỡng hay đi đường tắt gây ô nhiễm đến mức ai cũng lo lắng khi đến “cửa quan”. Thực tế chẳng có ông quan nào ngồi đấy, mà chỉ có những ông quan sẵn có trong con người những công chức mà thôi.

Nguyễn Trương Quý
Tuổi Trẻ cuối tuần 30.5.2009
.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm