Chùa Tây Phương

...
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương

Chùa Tây Phương thì nhiều người biết, ít nhiều là nhờ bài thơ phải học năm lớp mười hai của Huy Cận "Các vị La Hán chùa Tây Phương". Bài thơ chỉ hay ở khúc đầu, chứ đoạn sau "xã hội đã lên đường", Phật cũng lên đường thì chán. Rành rành thực tế cuộc đời là "cho đến bây giờ mặt vẫn chau".

Chùa Tây Phương có tên chữ là Sùng Phúc Tự, ở trên một quả núi lẻ loi tên là Câu Lậu, xã Thạch Xá, Thạch Thất, giờ thuộc về Hà Nội. Chùa có hình dáng hiện tại được cho là xây vào thời Quang Toản, 1794, lấy đúng hình mẫu của chùa Kim Liên ở Nghi Tàm, Hà Nội xây 2 năm trước đó. Tây Phương nổi tiếng vì có 62 pho tượng gỗ loại lớn và không giống ở nơi nào trên VN cả.



1. Đường từ Thạch Thất sang Quốc Oai. Con đường đất đỏ, hai bên là lúa xanh, xa xa quán nghỉ giữa đồng và hàng cây bờ mương. Mình ngạc nhiên vì không rõ có phải dùng máy ảnh mới hay không mà màu sắc lên như tranh, đẹp quá. Thật sự là cảnh ngoài trời y như thế, đẹp như siêu thực. Đây là căn nguyên khi tối về nhà, mình viết được một bài tản văn cũng khá lấy làm "đắc ý" (tiểu nhân thì hay đắc ý). Trong đó có cảm hứng từ blog của một người yêu quê hương là chị So yêu quý nữa.



2. Dưới chân núi là tam quan trông ra một cái sân rộng. Giữa sân có cây đa to, có cái miếu. Nói chung là cũng bí hiểm.



3. Đường lên núi là những bậc đá ong đi qua những nhà dân cũng xây tường đá ong hoặc móng đá ong, tường gạch trần. Qủa núi nhỏ nhưng cây xanh um, rất dễ chịu. Nhưng không biết nếu vào ngày hội thì chắc chen nhau bẹp ruột. Năm kia, sau ngày hội chùa Tây Phương 10 tháng Ba là cả xã bị dịch tả rồi trong một tháng, lan ra toàn vùng Hà Tây. Nghĩ cũng khiếp.



3. Qua tam quan trên thì vào đến sân trước.



4. Bên phải là miếu sơn thần.



5. Bàn thờ sơn thần cùng hai vị hộ vệ, một vị cầm gươm nhưng trông dáng vẻ quan văn.



6. Sân trước chùa đang có người hóa vàng nên khói hương bảng lảng rất huyền bí. Chùa mới lợp lại ngói nên chẳng thấy cổ, lại có vẻ hơi cứng.



7. Chùa xây theo kiểu chữ Tam, chia làm chùa Hạ, Trung và Thượng. Cả ba dãy đều xây lối chồng diêm tức là hai mái chồng lên nhau, riêng chùa Trung mái có cao hơn. Ngôi chùa nhìn không lớn nhưng xinh xắn và hoàn mỹ bởi hình dáng và chi tiết đều được xử lý sắc nét, tinh tế. Màu sắc ở đây cũng rất quan trọng, chỉ có gam nâu đỏ cùng với bề mặt mộc của gỗ, gạch, đá, như là sản phẩm của một tâm hồn thuần hậu và tự tin.



8. Đầu hồi chùa Hạ. Những ô cửa trên được nói là hình sắc-không, kiểu theo ngôn ngữ mỹ thuật là đặc-rỗng, theo vật lý hay tin học là dương-âm, điện tử-lỗ trống (cái này nói có sai các cao nhân chuyên ngành đính chính hộ). Cái quan trọng về mặt kiến trúc ở đây là sự phối hợp giữa tường và mái. Thông thường thì các kiến trúc cổ VN dùng vách bưng hoặc song che giữa các cột hiên. Xây tường thế nào để không bị tình trạng cái mái như cái nắp vung đậy lên cái hộp hay là cái mái đao cong vút bị kênh với cái cứng đơ của tường thẳng đứng. Thì ở đây người ta xây tường lùi vào trong một chút để mái vươn ra, chỉ xây thấp đến dưới bảy hiên, trên bờ nóc tường có ba hàng gạch xây quay ngang viên gạch làm vỉa giật cấp, tạo dần thế chuyển tiếp với độ vươn ra của mái. Màu vôi trắng của hai hàng gạch cũng làm cho bộ mái như được nhấc ra khỏi cái tường nặng nề mà bay lên. Đấy là mình cũng học hỏi tí cách bình luận của các thầy. Nếu ai có nhu cầu tìm hiểu cái hay cái đẹp của chùa Tây Phương và kiến trúc cổ, có lẽ nên đọc quyển "Chùa Tây Phương - một công trình kiến trúc độc đáo" của KTS Nguyễn Cao Luyện. Về ông Nguyễn Cao Luyện, thật cũng đau lòng vì ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh (sau khi chết) nhưng tác phẩm còn lại có lẽ chỉ là quyển sách trên cùng một số quyển khác như "Từ những mái tranh cổ truyền". Còn những công trình kiến trúc thì có Hội trường Ba Đình (chung với KTS Trần Đức Tiềm), biệt thự 215 phố Đội Cấn (từng là trụ sở của Petronas) đều đã bị phá. Ngoài ra còn có những công trình khác mà bây giờ gần như ít ai biết như biệt thự số 7 Thiền Quang (giờ là trụ sở CSHS Hà Nội), 167 Phùng Hưng hay 65 Lý Thường Kiệt (ĐSQ Cuba)... Đọc mấy quyển sách đó, thấy nhiều khi các cụ mải mê ca ngợi cái đẹp quá mà không lường cái khuôn khổ cho cái đẹp đó nảy nở cần những gì nữa.



9. Những mái đao này cũng gây cảm hứng rất nhiều cho các công trình phục cổ và biểu hiện sau này. Nhưng hình như cũng như một loại Sunset Boulevard, cái gì cũng có thời của nó. Có xây một ngôi chùa to cỡ Bái Đính mà y chang Tây Phương, giống một cô cao mét chín, ngực bơm silicon số đo 120 sắp nhảy vào wrestling biểu diễn.



10. Mái đao hoàn hảo từ cấu trúc đến chạm khắc. Các bạn blogspot này chắc khống chế dung lượng ảnh mà không cho show full image. Ở chùa Tây Phương và Kim Liên, có những hàng diềm mái chạm hình hoa sen nối nhau như dải đăng ten rất cầu kỳ.



11. Khu dĩ chùa Hạ.



12. Khu dĩ chùa Trung.



13. Sân sau chùa có hai cây mít, cảnh thật dân dã. Người ta xây thêm khu nhà Tổ và dãy nhà phụ, nhưng không có gì đặc biệt.

Bây giờ đi vào trong chùa. Trước tiên là chùa Hạ.



14. Tam bảo chùa Hạ là nơi thờ Quan Âm thiên thủ. Bức tượng vốn có từ đầu thế kỷ XX nhưng đã bị mất trộm năm 1991. Người ta đã tạc lại bức mới nhưng có vẻ đường nét hơi thiếu tinh xảo. Thêm nữa không chắc là màu thiếp vàng có đúng không, vì đại bộ phận các tượng cổ còn lại đều sơn then và sơn ta.



15. Tuy vậy cũng có thể quan sát những nét độc đáo của tượng qua hình ảnh phục chế. Tương có nhiều tay quá nên những cánh tay phía sau dài hơn bình thường, chẳng hạn cánh tay chắp đằng sau trông kỳ dị. Khuôn mặt của tượng rất đẹp, dù là tạc lại. Tượng cổ VN có gì đó đời, khác với vẻ siêu thoát phẳng lặng của tượng Tiểu thừa ở miền Nam hay cũng Đại thừa ở Trung Quốc.





16. Hai pho Tướng công, pho dưới bị lóa sáng.

Qua một khe sáng, sang chùa Trung.



17. Tam bảo chùa Trung. Những bức tượng sơn then như nhập thành một hội đồng bí hiểm đang phán xét xung quanh.



18. Những bức tượng được xếp cao dần. Đặc biệt là bộ Tam Tôn đứng chứ không ngồi như bình thường. Thứ tự ở giữa là Thích Ca Cửu Long (trên ảnh chỉ có cái chóp), Di Lặc, Tuyết Sơn, A Di Đà.



19. Nói chung cũng không thuộc được danh xưng các tượng, trên ảnh gần nhất là A Nan.



20. Tuyết Sơn, hiện thân Thích Ca trong thời kỳ khổ hạnh. Có lẽ cùng khuôn mẫu với Tuyết Sơn chùa Trăm Gian. Ở đây cái màu sơn then không bóng làm cho tượng có thần thái kỳ bí và sâu hút lấy dương khí xung quanh. Đây có lẽ là pho tượng mà học sinh đi tham quan về đứa nào cũng sợ nhất (ông nào mà gầy giơ xương), có lẽ vì thực mà siêu thực.



21. Quan Âm Thị Kính, đằng sau trên thân cây có con vẹt là hậu thân của Thiện Sỹ. Tượng đứa con của Thị Mầu, nguyên bản đã bị mất nên người ta thay bằng một cái tượng khác trông rất lệch phom.



22. Thái tử Kỳ Đà chắp tay quy y.





23. Hai pho Đức Ông.

Qua một lớp sân trong hẹp là chùa Thượng.



24. Ngôi chùa được chăm sóc kỹ càng nên kết cấu gỗ còn khá tốt.



25. Nét đặc thù của kết cấu chùa mái chồng diêm là xà ngang thay vì kẻ chuyền, thêm vào là những con kê tạc hình như cái bát có chạm hoa sen. Có thể ví như một hình ảnh mô phỏng hoa sen từ dưới đất (tảng đá kê chạm hình cánh sen), thân gỗ đón các đầu dư hình cánh sen, và đỡ những con kê cũng hình hoa sen. Mở rộng ra là bộ mái như cánh sen nở bung trên tường chùa. Chạm khắc ở chùa Tây Phương không chạm lộng sâu nhưng tỉ mỉ và mềm mại, không dày đặc mà có độ thoáng nên có vẻ "khôn ngoan".





26. Tam bảo chùa Thượng, có bộ Tam Thế tạc vào thời chúa Trịnh Giang, cuối thế kỷ XVIII, là những pho tượng còn lại trước khi trùng tu vào năm 1794. Ở dưới là Thập điện Diêm vương, ngồi quây xung quanh như họp Bồi thẩm đoàn.



27. Cuối cùng là bộ tượng nổi tiếng, gồm các vị La Hán và các vị Tổ. Có 18 vị.



28. Tổ Anan Vương. Không biết tay vị này thủ trong áo giấu cái gì.



29. Tổ Ca Tỳ Ma La, có con rắn như cây gậy.



30. Tổ Cưu Ma La, giống Di Lặc.



31. Tổ Già Na Dạ Xa Na Đề (tên gì khó nhớ, chép theo cái biển thôi). Cái tay áo bay tạc thật điêu luyện.



32. Mã Minh và Xa Dạ La. Hai vị này thì không VN lắm.



33. Phật Già Nan Đề, cũng giống Di Lặc. Ngài đang ngoáy tai nhìn bà Quan Âm bằng sứ Trung Quốc đang giữ tiền lẻ trên nóc tủ bên cạnh?



34. Phúc Đa Mật Đa và Hiếp Tôn Giả. Nghe cái tên phiên âm giật mình, hóa ra là Parsva. Cụ này 80 tuổi mới xuất gia.



35. Tăng Già Nan Đề. Trông thật hạnh phúc, dù ngồi bó gối.



36. Ưu Bà Cúc Đa thì trông thật băn khoăn: Sao lại để hòm công đức trước mặt ta?



37. Còn đây là pho được xem như đỉnh cao của tượng gỗ Việt Nam thế kỷ XIX: La Hầu La. Nếu màu sơn mà khéo hơn nữa và đặt ở cạnh cửa ra vào thì chắc tưởng có ông lão nào ngồi khất thực. Tréo ngoe hơn nữa là người ta để đĩa tiền lẻ và cái đèn dầu ở trước, trông thật cám cảnh! Bên cạnh Tổ là một con hươu.



Khuôn mặt như của một ông già Việt Nam đã sống khổ hạnh lâu lắm rồi, trừ đôi tai mang dấu nhà Phật ra.



Đặc biệt là bàn tay cầm gậy có cả đường gân như là thật. Bàn tay dưới thì hơi ma quái, chắc do móng tay dài quá.



38. Đường xuống núi đi giữa những khóm cây, chim kêu lích chích, chó chạy nhung nhăng, nhà ngói lúp xúp sau vườn, đúng là Tây Phương cực lạc ghê.

Nhận xét

sonata đã nói…
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
sonata đã nói…
Tượng đẹp mà cứ bị mấy cái hòm, đĩa dính vào, tưc ghê !
Khuê Việt đã nói…
+ "Khu dĩ" hay "khu đĩ" anh?

+ Khi nào cho cái cô silicon mét chín lên đây em "wrestling" cái.
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Hi KV: Chắc là khu đĩ, nhưng chắc mượn kiểu miền Nam, đĩa thành dĩa, đĩ thành dĩ cho nó thanh nhã. :-)
Về silicon, sao lại hiểu giản dị thuần phác thế, xem Disaster movie đi, có quả Carmen Electra vật nhau với Kimberly Kardashian vật nhau ấy... Còn silicon Bái Đính thì mình chưa đến.
Khuê Việt đã nói…
Hì hì, anh Q. nghĩ sâu sắc quá rồi. Ý EV nói chừng nào đi Bái Đính thì chộp hình (có chú thích tường tận) bỏ lên đây như đi Tây Phương cho em coi với. Phim kia thì em chưa xem. ;D
Nguyễn Xuân Diện đã nói…
Bạn Khuê Việt thật là dân biết nghề! Cái chỗ đó các phường thợ dân gian gọi là KHU ĐĨ. Có khi, gọi một cách "trực tiếp" là cái L. nhà.
Cám ơn TQ đã có một entry rất thú vị, với nhiều hình ảnh đẹp về Tây Phương cổ tự.

Lần đầu đi chùa Tây Phương, mình đang là SV, đúng kỳ nghỉ hè năm 1. Mình đã viết được 1 bài gửi đăng báo HNM Chủ Nhật, và đó là bài báo đầu tiên trong đời mình. Bài báo gắn với bao kỷ niệm của lần đến Tây Phương năm ấy!
Taans đã nói…
Bài viết nhẹ nhàng, nhiều hình ảnh đẹp. Xin phép lấy vài hình để tham khảo. Cảm ơn TQ
Unknown đã nói…
Chào bạn, bạn có thể cho mình cách để liên lạc với anh Nguyễn Trương Quý được không ạ?

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm