Sóng nước trùng dương dài theo bờ cát

...

Đó là câu trong một bài hát thời chiến tranh nhưng nói về khát vọng hòa bình. Một ngày hòa bình vừa đến sau hiệp định Paris 1973 mở ra bằng khung cảnh biển cả quê hương lồng lộng gió muôn phươngnhững dãy đảo xa nằm nghe biển hát. Niềm hạnh phúc dường như chỉ có sự mênh mông vô tận của biển mới sánh được: “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Non nước mây trời lòng ta mê say…” (Tình em biển cả, Nguyễn Đức Toàn). Bài hát ra đời trên con đường dọc bờ biển Việt Nam, con đường từng là huyết mạch của nhiều thế kỷ tìm miền đất hứa nhưng hãy còn bom đạn.


Ba mươi năm, biển Việt Nam đã đi tìm đường nét của một bờ biển vàng cho du lịch nghỉ mát. Hôm nay, người Việt Nam đã có thể “xông xênh” mà lựa chọn cho mình điểm đến trên 3260km đường bờ biển. Đã qua thời đi tắm biển mang nghĩa đen là… tắm biển, mà còn là thưởng thức những món ngon vật lạ, không chỉ là ngụp lặn sóng hay hưởng gió lộng, mà cầu kỳ hơn, phải là những điểm đến có cái để ngắm nhìn, có thứ để mua và có trò để thử.


Miền Bắc - biển cà phê



Quất Lâm


Miền Bắc không có biển xanh trong. Những bãi biển Đồ Sơn, Đồng Châu hay Quất Lâm là những biển màu cà phê. Những bãi biển ngoài đảo Cát Bà hay Vân Đồn cát không mịn, sóng lớn và chỉ có thể tắm được vài tháng hè ngắn ngủi. Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm của Bắc Trung Bộ đã là lý tưởng cho người miền Bắc, nhưng chỉ có Non Nước hay Nha Trang của Nam Trung Bộ mới mang lại một ý niệm khác hẳn cho họ về bãi biển.


Bến tàu Cát Bà


Cát Bà là hòn đảo lớn nhất ở miền Bắc, nằm trong vịnh Lan Hạ, giáp với vịnh Hạ Long, chỉ cách một giờ tàu thủy từ Hải Phòng hoặc Hạ Long. Ở đảo có ba bãi tắm, nước khá sạch. Trên đảo có vườn quốc gia và khu bảo tồn sinh quyển thế giới. Thú vui dành cho những nhóm bạn du lịch là đạp xe đôi, xe ba vòng quanh đảo hoặc trekking xuyên núi trong thảm thực vật nhiệt đới. Đến Cát Bà, nên ăn bữa ăn hải sản tươi ở những quán nổi, thay vì ăn tại khách sạn hoặc khu trung tâm. Cát Bà không có sự xa xỉ, lộng lẫy, nhưng là một lựa chọn cho kết hợp với Hạ Long và Đồ Sơn lân cận. Dù sao đây cũng là điểm gần Hà Nội nhất mà có nước biển sáng màu!



Biển Vân Đồn nhìn từ chùa Cái Bầu


Ở những chuyến đi biển miền Bắc, rất nên kết hợp với hành hương hoặc thăm viếng những thắng cảnh, như vịnh Hạ Long mà ai cũng biết, quần đảo Vân Đồn, ở mạn Đông Bắc hay tuyến văn hóa đền chùa Nam Định và khu bảo tồn thiên nhiên Giao Thủy, nơi gần những bãi Quất Lâm, Hải Thịnh… Những lễ hội như chọi trâu Đồ Sơn cũng góp vào không gian biển của một vùng duyên hải tuy lâu đời nhưng lại còn đầy vẻ hoang sơ.


Bắc Trung Bộ - biển cán xoong


Vùng đất được gọi là cán xoong của Việt Nam là nơi chịu nhiều thế kỷ chiến tranh. Mặc dù bờ biển đã có làn nước trong xanh hơn, bãi cát sạch hơn do sông ít phù sa, nhưng những đô thị nghỉ mát vẫn thưa thớt. Ấn tượng về một khu Bốn khói lửa và nghèo khó vẫn chưa phai trong tưởng tượng của người Việt. Thế nhưng, thật ngạc nhiên là ở đây dễ gặp những cánh đồng tươi xanh sau những hàng phi lao chắn cát. Với người Hà Nội, một kỳ nghỉ mát ở Sầm Sơn hay Cửa Lò là lựa chọn quen thuộc, bởi cự ly và chất lượng chấp nhận được. Có lẽ trong tâm lý của lớp trung lưu bình dân miền Bắc, đồ hải sản ngon và rẻ của Cửa Lò đã khiến bãi biển nghỉ mát của tỉnh Nghệ An này được xếp hàng đầu. Thêm vào đó, đây là bãi biển gần thủ đô Viêng Chăn của Lào nhất, nên cũng trở thành một điểm nghỉ mát của người dân Lào láng giềng. Thật vậy, chỉ cần qua cửa khẩu Nậm Cắn hay Cầu Treo ba bốn chục cây số, người dân đất nước Triệu Voi đã có thể tắm nước biển Đông.



Cửa Lò


Sầm Sơn, thị xã nghỉ mát của tỉnh Thanh Hóa đã có lịch sử từ thời Pháp. Người Pháp từng biến nơi đây thành nơi tắm biển thịnh vượng và phóng túng theo kiểu Địa Trung Hải, dĩ nhiên trong mắt người Việt thời trước thì là cả một sự ghê gớm. Quanh bãi biển là những làng chài đậm đặc các truyền thuyết như Núi Cô Tiên, dãy Trường Lệ, đền Độc Cước. Một vài resort cao cấp mọc lên đã khẳng định ưu thế của bãi biển này ở miền Bắc vốn chỉ cách Hà Nội 160km.


Qua đèo Ngang, biển trong xanh hơn, nhưng đồng thời cũng vắng vẻ hơn vì hai vùng châu thổ đông đúc ra đến đây thật xa. Đúng như cảm nhận về một vùng quan ải Ô Lý ngày xưa, nơi đây thăm thẳm những truông nhà Hồ, phá Tam Giang. Bãi biển ở đây là những viên ngọc xinh xinh của những thành phố nhỏ: Nhật Lệ, Cửa Tùng, Thuận An, Lăng Cô.



Đầm Lăng Cô


Mặc dù ngay liền kề những di sản thiên nhiên và văn hóa của nhân loại như động Phong Nha hay cố đô Huế, những bãi biển cát trắng này vẫn chưa phải là nơi đến phổ biến của du khách. Có lẽ do ảnh hưởng lối sống có phần kín đáo nên khó hi vọng thấy một vùng nghỉ mát nhộn nhịp có các thú tiêu khiển sống động.


Trên con đường xuyên Việt men bờ biển, đây là nơi thỏa mãn những óc hiếu kỳ của du khách về một thời chiến tranh, những ngã ba Đồng Lộc, sông Bến Hải, khu phi quân sự DMZ, thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh, đường Trường Sơn, từng là những nơi giao tranh ác liệt nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng chỉ cách biển chỉ nửa giờ xe chạy. Không đâu mà sự tương phản lại nhiều như ở đây: cái khắc nghiệt của thời tiết và vẻ trữ tình của cảnh vật, cái chật hẹp của đồng bằng ven biển và biển rộng bao la trước mặt, làng xóm lâu đời và những triền cát trắng hoang hóa, cái thanh bình của ngày hôm nay phủ lấp những vết tích đổ nát của hôm qua.


Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi


Nam Trung Bộ bắt đầu từ đây, với vùng duyên hải trù phú và những đô thị biển lớn. Đây là vùng biển nghỉ mát sầm uất nhất Việt Nam, và cạnh tranh mạnh mẽ với các nước khu vực. Đời sống phát triển của những năm gần đây, và nhất là thông tin dễ tìm hơn bao giờ hết trên toàn cầu khiến người ta muốn khám phá một khu vực khá thường xuyên lọt vào các trang tin du lịch.


Điểm đặc biệt của 800km bờ biển này là sự nhộn nhịp của các đô thị nghỉ mát. Thật dễ tìm ra một nơi đa dạng thứ để ngắm: thành phố Đà Nẵng với những bãi biển Mỹ Khê, Non Nước, từng được Forbes xếp hạng vào những bãi biển sang trọng nhất thế giới năm 2005, hoặc gắn với hai di sản thế giới là Hội An và Mỹ Sơn có bãi biển Cửa Đại, nơi có một chùm những bãi tắm đẹp, và khơi xa là những hòn đảo tiền tiêu mời gọi. Chỉ một dải bờ biển trăm cây số, người ta đã có thể sống một cuộc sống phong phú: đắm mình trong hoàng hôn của vương quốc Champa mười bốn thế kỷ trước, ngắm nhìn hình hài cấu trúc sinh hoạt của thương nhân Nhật và Hoa bốn trăm năm trước, nơi tàu chiến Pháp tấn công Việt Nam đầu tiên của thời thực dân một trăm năm mươi trước, tìm hiểu căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam cách đây gần nửa thế kỷ và nếu có nhiều tiền, nhẩn nha chơi golf tại một vùng kinh tế nóng thời hiện tại.


Đi dần vào phía Nam, những thành phố “tủ kính” của miền Trung hiện ra với những hứa hẹn. Quy Nhơn với biển Thi Nại và Gành Ráng, cái nôi văn hóa miền Trung một thuở, nơi còn lại những dấu tháp Chàm và văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng kéo dài từ Quảng Ngãi. Biển ở đây hiền lành và chân chất, không có được vẻ diễm lệ của Non Nước, Cửa Đại. Nhưng nơi đây khởi đầu cho con đường ven biển đẹp nhất Việt Nam: Quy Nhơn – Sông Cầu. Một bên núi, một bên biển phả vào từng cơn gió xào xạc, khoan thai như lời nhạc của Trịnh Công Sơn: Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn… Quy Nhơn là Biển nhớ của Trịnh thời trai trẻ, là những ngày tháng đau đớn nhưng làm nên những bài thơ độc đáo nhất của Hàn Mặc Tử, là cửa biển của kinh đô Đồ Bàn đế quốc Champa xưa…


Con đường biển tiếp tục dẫn khách đi qua những địa danh nên thơ như đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa của tỉnh Phú Yên. Đây là cửa ngõ ra biển từ vùng Tây Nguyên xuống, với những đầm phá và vịnh đẹp nhờ chuỗi núi non của dãy Trường Sơn liên tiếp phân nhánh ra biển. Nơi đây tuy không sẵn tiện dịch vụ all-in-one kiểu các thành phố nghỉ mát quen thuộc, nhưng lại kích thích những ai cần tìm “biển của một thời đã mất”.



Bãi vịnh Vĩnh Hy


Những “thủ đô” nghỉ mát


Kết thúc đường bờ biển tỉnh Phú Yên cũng là mũi Đại Lãnh, nơi cực Đông của đất liền Việt Nam. Từ đây, dân cư đông đúc hơn, con đường xuyên Việt nhộn nhịp hơn và các khu nghỉ mát có quy mô lớn hơn hẳn. Những vịnh ở vùng này được xếp vào hạng những vịnh biển đẹp nhất thế giới: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Cà Ná, Vĩnh Hy. Nơi đây nước biển xanh trong, cát trắng mịn, được bao quanh bởi những cụm đảo và bán đảo kín gió. Vùng biển nhiều hải sản nhất nước bên cạnh những đô thị có bề dày phục vụ du lịch làm cho những chuyến đi biển ở vùng này có sắc thái phong lưu hơn nhiều.



Dinh Bảo Đại ở Nha Trang



Bể cá trong Viện Hải dương học Nha Trang



Nếu cần một nơi nghỉ “thời trang”, Nha Trang và Mũi Né là lựa chọn hàng đầu bởi ở đây tập trung những resort cao cấp nhất Việt Nam. Nha Trang là một thành phố xinh đẹp với những địa điểm lịch sử, còn giữ hình ảnh của một thành phố biển thuộc địa và sót lại những dấu tích Chăm. Nơi đây tập trung quy mô những nghiên cứu về hải dương học của Việt Nam, có dấu ấn của bác sĩ Yersin, và cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam có một khu tổ hợp giải trí biển liên hoàn và tồn tại các môn thể thao bãi biển - vốn hiếm thấy ở Việt Nam. Mũi Né mặc dù chỉ là một phường của thành phố Phan Thiết nhưng được mệnh danh là “thủ đô resort” của Việt Nam. Cho dù kinh tế thăng trầm, số người đổ xô đến đây những kỳ nghỉ vẫn chẳng giảm, để chen nhau leo lên những đồi cát hồng, trắng, vàng, những đồi cát có màu sắc độc đáo và nữ tính. Mở bất kỳ một quyển ảnh nghệ thuật hay website du lịch nào về Việt Nam, chắc chắn sẽ có ảnh đồi cát Mũi Né!



Vịnh Vĩnh Hy


Bên cạnh những điểm nóng trên, còn nhiều bãi biển đẹp đẽ khác, lặng lẽ và khiêm nhường như phần lắng của bài ca biển vùng này. Chắc chắn sẽ có ngày một vịnh Vĩnh Hy nằm cạnh vườn quốc gia Núi Chúa sẽ không còn vắng vẻ. Những người đẹp say ngủ này đã kích thích người đến thăm không chỉ một lần mà họ sẽ trở lại.



Khu du lịch Vinpearl - Hòn Tre



Thủy cung Vinpearl


Nam Bộ với trung tâm là Sài Gòn, vốn quen thuộc với ngọn hải đăng của mình – Vũng Tàu, xa hơn là Long Hải, và những hòn đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Vũng Tàu là một thành phố cửa ngõ, lại có ngành khai thác dầu khí, tuy nhiên đầy vẻ hoàn chỉnh của một nơi nghỉ mát lâu đời. So sánh với đô thị cùng có vị trí tương đương là Đồ Sơn, thì Vũng Tàu hấp dẫn hơn hẳn. Thành phố trải mình trên một mũi đất nhô ra biển Đông, với những dinh thự trắng toát trên sườn núi và trong những con phố rực nắng dưới những tán bàng xanh um. Những quán cà phê uể oải trong ánh đèn vàng dỗ giấc ngủ của du khách. Vũng Tàu có lẽ là khu tắm biển có nhiều nhân vật lịch sử đến nhất, những ông vua bà hoàng của một thời đã xa xôi.



Đường Trần Phú - bờ biển Vũng Tàu


Bạch Dinh, hay Dinh ông Thượng, nơi an trí vua Thành Thái, sau là nơi nghỉ của thống sứ Nam Kỳ, các tổng thống miền Nam.



Bãi biển Vũng Tàu, phía xa là Núi Lớn, trên đỉnh có tượng Đức Chúa lớn nhất Việt Nam.


N.T.Q

JS số 5-6/2009

Nhận xét

lvu đã nói…
Quý nhắc đến Cửa Lò với Nậm Cắn làm tớ nhớ lại một thời oanh liệt. Ngày đó lên cửa khẩu Nậm Cắn, cứ nhảy từ đất bên này sang đất bên kia để coi như tớ đã đặt chân đến Lào. Còn cửa Lò, lại thấy thèm ngao và cháo chim bồ câu rồi.
Nặc danh đã nói…
Coi mấy cái hình Nha Trang nhớ nhà kinh khủng!
C. Trang

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm