Hồn thánh thót mưa dầm

...
Sở Kiện là nhà thờ chính tòa đầu tiên của giáo phận Hà Nội, xây năm 1884, trên nền một nhà thờ có từ 1669 của giáo phận Đàng Ngoài, rồi là thủ phủ của giáo phận Tây Đàng Ngoài từ 1858-1892. Sau này, năm 1887 khi lấy đất chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn Hà Nội thì tòa giám mục HN dời ra đó, Kẻ Sở chỉ còn là nhà thờ xứ.

Nhà thờ Kẻ Sở trên đất hai làng Sở và Kiện, nên gọi là Sở Kiện, hiện nằm ở thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam, cách thành phố Phủ Lý 10km.



Trên con đường từ Phủ Lý về phía Tây, có thể thấy một dãy núi xanh biếc chạy hàng dài. Dãy núi đó là đợt nối tiếp với Ba Vì, qua Hương Tích, Kim Bôi, Chi Nê rồi vào đến Ninh Bình.



Đi gần đến nơi thì thấy cây cầu Kiện Khê, bắc qua sông Đáy. Khu vực này chắc phải đến mấy cái nhà máy xi măng. Bên tay phải là dốc xuống thị trấn Kiện Khê và thấy ngay nhà thờ Kẻ Sở.



Nhà thờ xây gạch đỏ nhưng còn do quét vôi đỏ nên hơi giống... lò gạch.



Còn đây là hình bản in kẽm nhà thờ Kẻ Sở năm 1887 của bác sĩ Hocquard. So với ngày xưa thì có vẻ khu dân xung quanh đã tôn nền cao hơn.



Nhà thờ Kẻ Sở chắc là nguyên mẫu của nhà thờ Lớn HN (tức nhà thờ St. Joseph hay gọi là Thánh Giu-se), nhưng mặt tiền to hơn vì có hai gian nữa. Màu vôi gạch đỏ cũng làm cho mặt đứng có vẻ ấn tượng.



Thấy quang cảnh náo nhiệt, ai cũng ăn mặc trắng lốp, trống ếch rộn ràng. Thì ra hôm nay là lễ trọng. Các cô bé mặc váy trắng, đi tất trắng, đội voan trắng, như là đám cưới. Thấy mình mặc áo phông nâu có vẻ ngoại đạo tợn!





Đây là bên hông của nhà thờ, nơi đoàn rước lễ sẽ đi qua 1 vòng quanh nhà thờ. Mang phong cách gothic, nhà thờ không trang trí diêm dúa, và thật ra cũng không có nhiều đặc biệt so với các giáo đường lộng lẫy về kiến trúc.



Đối diện là dãy nhà nguyện và lối ra đài thánh tử đạo VN.







Đám rước ở đây đi theo giới, già trẻ rồi đàn ông, đàn bà riêng. Không khí trật tự và cũng mau lẹ chứ không nhốn nháo như lễ chùa với đền phủ bây giờ. Hoặc có lẽ là cái lễ như thế này diễn ra tương đối đều đặn, nên ai cũng thuộc cả. Mình không biết gì về Thiên chúa giáo nên chỉ ngó nghiêng với tư cách quan sát một cuộc performance vui vui mà thôi.



Mười lăm phút sau, tất cả vắng ngắt. Bên tay trái có hang đá Đức Mẹ, có cây si rất to trùm rễ lên.



Chắc phải là bé ngoan mới được cầm hoa thế này. Vì ở ngoài khu làm lễ có nhiều trẻ con nhao nhao chạy nhông lên.



Nhìn vắng vẻ và quy củ như ở một nước nào chứ không phải Việt Nam. Ở Hà Nội và Sài Gòn mà thế này, ắt sẽ có hàng đàn giai gái chụp áo cưới hoặc pose hình.



Tuổi buồn em mang, đi trong hư vô, ôi miền giáo đường... :-)



Nơi xưa mình anh đứng, không thấy bóng em đâu...



Vườn sau nhà thờ...



Lối vào tu viện Dòng Mến Thánh Giá.






Nhìn ra ngoài thấy thập tự. Những cây thập tự có hình hoa huệ, nhớ đến truyện Ba người lính ngự lâm, có quả d'Artagnan phát hiện ra hình hoa huệ trên vai của Milady.



Bên trong nhà thờ cũng không lộng lẫy lắm, nhưng có những đồ gỗ có vẻ cổ. Ngoài khu bàn thờ đẹp ra, thấy có một cái lầu gỗ thiếp vàng ở cột giữa nhà, không rõ là để làm gì. Cái này chắc phải hỏi ai theo công giáo.



Chỗ ca đoàn trên tầng 2. Ở xứ đạo này, chắc mọi người ngồi theo khu vực. Đàn bà ngồi bên phải, đàn ông ngồi bên trái.



Bước vào nhà thờ thì có hai máng đựng nước xức. Ai vào cũng nhúng tay vào chấm lên mặt ý để tẩy rửa trước khi làm lễ. Đặc biệt ở đây là hai cái vỏ sò cực đại.



Cái tường cầu thang gỗ đi lên gác chuông hai bên.



Quo Vadis? Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình. :-)



Ban thờ ở giữa khá giống ban thờ nhà thờ Lớn HN. Nói chung cũng không rõ thế nào là một nội thất nhà thờ đẹp dưới con mắt con chiên, nhưng với thức kiến trúc Gothic được gọt giũa hơn nghìn năm, những nét mảnh mai và vươn cao của các hình vòm nhọn và tháp cùng với cách bố trí ánh sáng làm cho các đường nét khá hoàn hảo. Kiến trúc truyền thống của VN thì có điểm dở là không xử lý được vấn đề ánh sáng. Vì thế, sau này nhà thờ đá Phát Diệm mặc dù khai thác hình thức đình chùa nhưng chỉ là ở những mái lầu và hệ xà đã nâng lên rất cao. Các chùa mới cũng làm cao hẳn lên để lấy ánh sáng.



Bên chỗ các bà ngồi thì toàn tượng đàn ông. Gian này là Jesus.



Còn gian này là tượng của 3 vị thánh công giáo Việt Nam, từ thời đầu thế kỷ 19. Các vị này có mặc áo chùng thì vẫn đội khăn, còn vị trẻ nhất thì mặc áo dài.



Bên trái là các ông ngồi, thì là tượng Đức Mẹ.



Còn đây là tượng sứ thần truyền tin Gabrielle?



Trên cái cột bên cạnh có những tấm bia công đức ghi bằng các thứ tiếng Pháp, Việt, Hoa.



Buồng xưng tội treo những cái mành nhựa hơi bị vui tính, như mành những quán cafe thời những năm 80. Có cái cửa có song hình thập tự khá hay. Nếu đức cha ngồi ở trong đó mà cùng lúc có hai người vào hai bên thì nghe thế nào nhỉ.



Chờ làm lễ. Những người phụ nữ gục đầu lên thành ghế trước là vì mệt hay đang sám hối?



Rồi cũng đến lúc làm lễ. Sau khi đọc một đoạn nguyên nhân lý do có mặt hôm nay, cha xứ thông báo vài nét tình hình xứ đạo, cô Anna này lấy anh Phêrô kia. Rồi cha bắt nhịp và ca đoàn hát nối thật điêu luyện.



Đi ra ngoài xem các thứ khác thì thấy, những cái mới xây của bên công giáo cũng rơi vào tình trạng màu mè vôi vữa. Trên là đài tưởng niệm các thánh tử vì đạo Việt Nam. Trong có hai bức tượng của hai chú cháu nhà ông họ Trương thời những năm 1800, bị giết năm 1838-1839.



Đằng sau là khu trường học, hiện đang bàn giao lại cho nhà thờ. Đáng chú ý là hình thức của những dãy nhà này mang phong cách kết hợp: mái có kết cấu kẻ chuyền của nhà Bắc Bộ với móng và hàng hiên kiểu Pháp. Bố cục đăng đối mang nét nhà thăm dò kiểu bản doanh lưu trú thời đầu của Pháp ở Đông Dương.



Một cái nhà nguyện đề năm 1915, nhưng chắc mới được trùng tu.



Dãy nhà học chắc là chủng viện xưa, bên trong còn bàn ghế, khẩu hiệu và ảnh Bác Hồ, bên ngoài còn biển đề các lớp và phòng chức năng. Khu nhà đã bị xuống cấp, trần latti đã bong hết chỉ còn những cái dầm.



Bên cạnh là một cái nhà thờ đổ. Người ta không sợ trâu bị tường đè sao?



Có đổ nát thì cũng có sửa chữa. Một cái nhà nguyện ở ngoài đường vào nhà thở, đề năm 1905.





Cái nhà điệu vì có lối lên kiểu bậc cấp rẽ hai bên, trước là một cây nhãn.





Thị trấn này chắc thời Pháp cũng giàu vì nhiều nhà kiểu Tây.






Rồi cũng đến lúc về. Đi thăm nhà thờ luôn có cảm giác mọi thứ của kiến trúc đều rõ ràng và dễ thấy, ít có cái gì khiến người ta băn khoăn hay nghi hoặc.



Trên đường về có Ngũ Động Thi Sơn ở vào khúc quanh của sông Đáy. Bên sông một ngôi nhà thờ nho nhỏ, một buổi chiều nhiều mùi rơm rạ. Thích mà phải về...

***

Bài Giáo đường im bóng của Nguyễn Thiện Tơ có lẽ là bài hát có chủ đề về nhà thờ mà mình thích nhất. Bài hát đầu tay viết năm 1938 lúc ông 17 tuổi tặng cho cô gái có tên Hà Tiên, sau là vợ. Còn nhớ năm 2001, đúng Trung thu, mình có việc tìm đến gặp ông. Cứ nghĩ phải là một ông già hom hem và cũ kỹ, nhưng hóa ra ông còn nhanh nhẹn và vui vẻ. Hai ông bà ngồi xem TV ở một căn nhà mặt phố Mai Hắc Đế. Điều đặc biệt là nhà ấy không cho thuê cửa hàng hay kinh doanh gì. Nguyễn Thiện Tơ sinh năm 1921, là một nhạc công chuyên nghiệp, ban đầu là guitar Hawaii, rồi guitar, sau thổi flute cho dàn nhạc Đài tiếng nói VN và cuối cùng về Hãng phim truyện.

Ông có mấy bài hát nữa hay được ca sĩ nhạc tiền chiến hát như Qua bến năm xưa, Vườn hồng dưới trăng, Nhắn gió chiều.

Nhớ tới đêm đầy ánh sáng
Hương trong gió tràn mênh mang
Giây phút như ngừng thôi rơi
Tiếng kinh muôn lời
Dáng xinh xinh bao tiên kiều
quỳ ngân Thánh kinh ban chiều
Trong giáo đường đêm Noel ấy
ngàn đời tôi mến yêu

Tiếng A men đều âm u
Hòa theo gió vàng đêm thu
làm xao xuyến tâm hồn quá
Thời khắc mơ

Thánh giá xa vời lắm với chuông chiều ngân
Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm
Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng
Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ

Giáo đường im bóng - Khánh Ly (Nguyễn Thiện Tơ, lời Phi Tâm Yến, 1938)



Get this widget | Track details | eSnips Social DNA
.

Nhận xét

tây bụi đã nói…
Thiện Tơ là một vị anh hùng của tân nhạc Việt Hà Tiên cũng là nguồn cảm hứng của bài cùng tên của Lê Thương.
sonata đã nói…
- Theo mình chùa Việt nam không thích có ánh sáng, một không gian thâm nghiêm phải hơi u tối, người vào lễ chùa cúi đầu chứ không ngửng đầu nhìn lên như nhà thờ công giáo ... có nhẽ là hướng nội , nhìn vào Phật trong tâm ?...:))
- nhà thờ VN mới có cái kiểu nam một bên nữ một bên (Tây thì ngồi chung, thường là cả gia đình ngồi bên nhau) có lẽ cái này lại ảnh hưởng của Khổng giáo ... ảnh hưởng qua lại của đạo giáo ở tín ngưỡng VN thú vị nhỉ ! nghe các tín đồ thiên chúa giáo tranh cãi về vụ đốt hương hay không đốt hương cũng phức tạp phết ....
- cái cổng sắt vào nhà thờ là mới hay cũ thời xưa ?, có cái ảnh nào chụp rõ hơn không em Quý ?
Nguyễn Trương Quý đã nói…
@tây bụi: Em thấy bài Giáo đường im bóng mặc dù viết đầu tay nhưng lời (nguyên thủy NNT viết, sau được Phi Tâm Yến chỉnh lại) và nhạc rất hoàn chỉnh, mới mẻ. Các bài sau cứ cũ cũ thế nào ấy.
@sonata: Em nghĩ nhiều khi là do kinh tế chị ạ, xây bằng gỗ nên phụ thuộc cây gỗ có dài hay không nữa. Vì các tượng Phật cũng đặt cao và đồ sộ đấy chứ.
- vụ hương khói và bàn thờ thì em có kinh nghiệm thực tế rồi, xin chị hỏi thư ký Lâm, hehe.
- cái cổng sắt là mới chị ạ, y chang kiểu ở nhà thờ Hàm Long với các nhà dinh thự giàu mới ấy. Vì thế nên em mới không chụp và post lên.
Goldmund đã nói…
Em thích nghe bài này do Ngọc Anh (3A) hát hơn.
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Mình cũng từng nghe nhiều version, nói chung các ca sĩ hát đều được cả. Nhưng cái bản này có dàn bè nghe hấp dẫn, kiểu thánh ca. Trên cái nền trong veo đó thì cái giọng đanh đanh kiểu máy móc như bà KL lại có vẻ nổi. Theo mình nghĩ bà KL này hiện giọng cũng xuống quá rồi, nhưng nếu mà biết kết hợp với các bè thì có khi cũng còn bền.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm