Hạnh phúc trên yên xe

K

hám phá Hà Nội bằng xe máy là điều đơn giản với dân bản địa, nhưng là một cuộc phiêu lưu hồi hộp và thót tim của khách nước ngoài. Mặc dù xe máy là do Tây sáng chế (hai người Đức là Daimler và Maybach, hai cái tên giờ nổi tiếng với những nhãn hiệu xe hơi siêu sang), nhưng họ không tưởng tượng nổi có một nơi trên thế giới này, xe máy lại đa dụng đến vậy. Xe máy Việt Nam theo họ là tấm thảm thần đưa con người đi khắp nơi, là nơi cư trú thứ cấp sau căn nhà. Đôi chân giờ đây là phương tiện đi lại xếp vào loại “sơ-cua” chỉ dùng đến ở điểm đỗ cuối cùng – sau các cánh cửa văn phòng làm việc và nhà ở.


Có điều ở một nước là thị trường xe máy đứng hàng thứ tư thế giới, nơi xe máy là phương tiện giao thông chính, thì việc đi xe máy là một câu chuyện nhập gia tùy tục. Thật thiếu sót khi các tour lữ hành đều lờ tịt đi việc đi xe máy, còn sách hướng dẫn như loại hành-tinh-cô-đơn mà rất bầy đàn Lonely Planet không khuyến khích vì cho là “nguy hiểm”. Còn theo lối tour của các công ty du lịch, chủ yếu là ôtô đổ bộ đến nơi, chui vào cổng là hết.

Nếu một anh Tây với cái balô ngất nghểu trên lưng mà cuốc bộ trên vỉa hè, ắt sẽ trở thành mục tiêu chèo kéo và săn đuổi của trẻ con bán dạo, của người bán hàng mặt phố… Nhưng nếu anh này mà phóng một cái xe máy, thể nào cũng được xem như kẻ đã có “thẻ xanh” ở Hà Nội chẳng hạn. Anh ta sẽ được tán thưởng và cổ vũ bởi dân phố, vốn khá rộng rãi trong việc kết nạp “nó” vào hàng ngũ của mình. Đại để về mặt hình thức, Tây đi được xe máy cũng tương tự như biết ăn bằng đũa. Bỏ qua những kiểu láu vặt “chăn con gà tây” thì người Việt Nam rất lấy làm thú vị khi người bên ngoài nắm được luật chơi của mình. Người Việt Nam thực tế là những người luôn khao khát được mở rộng cửa với bên ngoài như một hệ quả của “thế giới phẳng”. Thông qua sự hiếu khách lạ lùng của mình, người Việt Nam hăm hở tìm cách xóa đi mặc cảm bị bất đồng ngôn ngữ và trình độ hiện đại hóa. Xe máy mặc dù là một phương tiện cơ giới của Tây từng được xem như một biểu tượng của văn minh phương Tây ba mươi năm trước ở Việt Nam, giờ đây lại là một hình ảnh có phần “địa phương tính” và hơi có vẻ lạc hậu. Cái gì người Việt Nam sử dụng nhiều mà Tây lấy làm lạ thì hay mang tiếng là kém tiến bộ.


B

ên cạnh sự áp đảo của số lượng xe máy ở các đô thị lớn Việt Nam, thì yếu tố gây nên điều khác lạ là góc nhìn từ yên xe máy. Nhìn Hà Nội trên yên xe máy, cho thấy khuôn hình Hà Nội của ít nhất hai triệu người sở hữu xe máy, phương tiện chủ lực của giao thông đô thị bây giờ. Theo phương châm hiểu được cuộc sống bản địa, những khách du lịch kia ắt phải có trải nghiệm khoản này. Ngồi trên xe, ta có cảm nhận về kích cỡ, độ xa gần, tính dễ tiếp cận của điểm đến, ví dụ quán phở này có thể phi xe lên vỉa hè mà không cần khóa càng, hay cái sân trong ngõ Bảo Khánh bé tí mà chứa được cả vài trăm xe máy cho tất cả các quán cà phê xung quanh. Hoặc ngồi trên xe máy, tưởng như sờ được những bông hoa từ cái giỏ ngất nghểu của một chị chở hoa đi bán cũng như ngửi được hương thơm trực tiếp giữa dày đặc mùi khói xe. Ngồi trên ôtô chỉ thấy được những bông hoa có sắc mà không hương của đường phố. Còn đi bộ thì không nhìn theo kịp, mà như đã nói ở trên, người Hà Nội không có thói quen cuốc bộ. Hầu như tất cả cái gì hay, ngon, đẹp đều đập vào mắt người đi xe máy.


Có những loại thành phố đẹp khi nhìn trên máy bay để trưng bày cái quy hoạch hoành tráng, có thành phố lại thi vị khi tản bộ dưới hàng cây trong khí trời thanh sạch, có thành phố tuyệt mĩ khi ngồi trên du thuyền lướt qua các con sông và kênh đào, có thành phố lại ấn tượng khi đi bằng xe hơi để nhìn soi vào những tủ kính lộng lẫy. Với Hà Nội thì tôi (và phần lớn cư dân của nó) chẳng biết đi gì ngoài xe máy, nên rút cục chỉ có mỗi một thước đo trên yên xe.


C

hưa thấy ai nói đến việc xe máy trở thành biểu tượng cho Hà Nội hay Sài Gòn như kiểu xe bus hai tầng của London, mà hình như cũng không ai mong. Mọi người đều cảm nhận xe máy chỉ là giải pháp quá độ, trong khi xe bus còn chưa đáp ứng được đủ nhu cầu và tàu điện ngầm còn là mơ ước xa vời. Xe hơi thì thành phố nào chẳng có, cơn ác mộng của Churchill từ thế kỷ trước giờ đã thành hiện thực ở những con đường chật hẹp của Hà Nội. Hà Nội từng tưởng như mãi gắn bó với tiếng leng keng tàu sớm khuya mà rồi cũng thành dĩ vãng và xa lạ với chính cư dân thành phố thế hệ mới. Khám phá thành phố của thời xe điện là những thú vui mua bóng bay Phương Dung ở công viên Thống Nhất và ăn kem que Bờ Hồ, hành trình nhảy tàu điện cũng tự thân là một cuộc phiêu lưu. Còn hành trình xe máy là loại cắc bụp, dừng đâu mua đấy, ngó nghiêng phơn phớt, rồ ga vài nhịp đã tới đích. Thành phố dưới mắt người đi xe máy là những đoạn đường từng chập một, cặp mắt chỉ có thể kịp ngắm những căn nhà thấp tầng, những tấm biển ngang tầm mắt và những cửa hiệu dễ-đỗ-xe-máy-trước-cửa. Tầm nhìn không quá một cây số là đặc trưng của tâm lý thành phố xe máy. Có ngồi trên xe máy mới nhận thấy, ta đang nhìn thành phố bằng một loại phim có tốc độ ba bốn chục cây số một giờ, là một cảnh tượng mà chính ta tham gia vào. Trong khi đó với xe hơi, ta ngồi thoải mái sau cửa kính nhìn ra một cách gián tiếp. Những chiếc xe Honda nữ hay scooter dưới 125 phân khối là những thứ tương hợp với đường phố chỉ bốn làn xe, nhiều điểm giao cắt chứ không phải những đại lộ hay đường cao tốc trên cao dài dằng dặc.


C

ách đây không lâu trên báo Vietnamnet, rộ lên chuyện có một anh Tây nói: Hà Nội chẳng có gì, đi nửa ngày là hết cái để xem. Có người phẫn uất sỉ vả sự nông cạn của cái tay du lịch balô kia, lúc nào cũng mang tâm lý thực dân, kiếm được chỗ rẻ nhất mà xem được nhiều nhất. Có người lại lật sang vấn đề, vì sao Hà Nội lại đến nông nỗi ấy? Tôi thì chỉ thấy cái người khách kia thật sướng. Họ đến, chê bai chán rồi họ đi tìm chỗ khác no mắt hơn. Đấy là cái quyền lớn nhất của khách du lịch mà! Nhưng theo cái đoạn dưới đây trong bài báo của một nữ nhà báo Mỹ thì bản thân cảnh tượng xe máy trên đường phố Việt Nam đã là cái để xem:

Sau lần đầu đến Việt Nam, tôi đã trở lại vài lần. Hồi tháng Sáu (năm 2008), tôi bước ra khỏi khách sạn một buổi chiều và thấy một tay khách người Úc ngồi trên bậc thềm, đang nhìn chằm chằm ra phố. “Thú vị phải không?” tôi hỏi khi nhận ra sự mê muội của anh ta trước cảnh tượng lưu thông trên đường.

“Không thể tin nổi. Không thể tin nổi,” anh ta nói. “Tôi đã lên kế hoạch đi chơi tối nay, nhưng tôi sẽ chẳng đi đâu hết. Tôi đã ngồi đây hơn một tiếng đồng hồ và tôi chẳng thể rời mắt khỏi đám xe máy.” (“Việt Nam ăn, ngủ và mơ trên xe máy,” Patti McCracken, báo The Christian Science Monitor 1.10.2008)

Tác giả còn cho biết cô đã đi xe ôm nhiều lần, và biết mũ bảo hiểm được người Việt Nam gọi là “nồi cơm điện”. Hẳn nhiều người còn nhớ phóng sự nổi tiếng của hãng BBC về du lịch Việt Nam mà các phóng viên đã thay đổi phương tiện từ ôtô sang xe máy. Cảnh Việt Nam trên xe máy của họ quay lên truyền hình vẫn đẹp như thường. Cái nhìn của người nước ngoài về xe máy đường phố Việt Nam thật ra không xa lạ với chúng ta. Điều khiến họ ngạc nhiên là con người Việt Nam sao mà giỏi, rủi ro của nguy hiểm khi đi xe máy không là gì với tính cơ động và tiện lợi. Nhìn một gia đình bốn người vừa đi xe máy vừa chia cho nhau một túi gà rán KFC, họ thấy đó là bằng chứng của “sự điên rồ xe máy”. Nhưng mà cái họ không nói, ấy là niềm vui của cặp vợ chồng con cái nọ, món gà rán thơm ngậy của Mỹ chuyền tay nhau trên yên xe máy động cơ Nhật làm nên hạnh phúc đường phố của người Việt Nam, ở nước họ liệu có được thế không?

Nguyễn Trương Quý

Thể thao & Văn hóa cuối tuần, 8.5.2009

Nhận xét

sonata đã nói…
Hì, chưa đủ đô, về xe máy còn có thể nói nhiều hơn nữa ấy chứ nhỉ, hôm nọ mình nhìn thấy một anh tây đi cái Honda 67. Thật là chỉ có các anh Tây mới mò ra !!!
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Những trường hợp của chị So nói tới là những gì nổi bật, chứ chắc không phải số đông Tây - bọn họ trải nghiệm có tính thời vụ chứ không sống cả đời...
Còn bạn KV, "Không" là phản đối điều gì, mà còn cười nữa? :-)
sonata đã nói…
Hừm, ý là bạn ấy "không" tin/muốn có Hạnh phúc trên yên xe chắc !!!!

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm