Không phải huyền thoại (trích)



I
MỘT PHÁC THẢO CHÂN DUNG


“Một người dáng vẻ rất giản dị. Một bộ mặt cởi mở. Còn hơn một anh hùng. Tướng Giáp. Ông thuộc dòng những chiến sĩ mà người ta sẽ kể những chiến công từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có lẽ ngay cả những nhà sử học cũng cần rất nhiều luận chứng để tránh miêu tả ông như một nhân vật truyền thuyết, để kể lại trung thành những giá trị của ông...” (Trích xã luận của tờ El moudjahd, xuất bản tại Alger ngày 4 tháng 1 năm 1976, nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Algeria)

1
Một tối mùa đông năm 1970, theo triệu tập của Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi tới làm việc tại nhà riêng.
Sáu năm trước đó, đầu tháng 4 năm 1964, tôi là một nhà văn quân đội được Tổng cục Chính trị cử tới giúp Đại tướng ghi lại một vài kỷ niệm về Điện Biên Phủ để in vào cuốn hồi ức được xuất bản nhân dịp kỷ niệm mười năm chiến thắng lịch sử . Chẳng cần nói, tôi đã hồi hộp như thế nào khi lần đầu được trực tiếp gặp đồng chí Tổng tư lệnh, ước mơ của không ít những nhà văn viết về chiến tranh. Tôi chỉ có một tháng để viết khoảng một trăm trang in. Công việc hoàn thành đã mang lại cho tôi may mắn được tiếp tục làm việc với Đại tướng một thời gian dài.
Người chiến sĩ cảnh vệ đưa tôi vào phòng khách. Đồng chí Chánh văn phòng không có mặt. Tôi biết đây không phải là buổi làm việc chính thức. Trong lúc ngồi đợi, tôi băn khoăn không hiểu Đại tướng gọi tới vì việc gì.
Anh Văn từ phòng trong đi ra. Anh vẫn mặc quân phục. Nụ cười tươi làm bộ mặt anh sáng rỡ. Tôi nhìn thấy anh cười lần đầu trong cuộc duyệt binh của tự vệ thành tại nhà đấu xảo Hà Nội năm 1946. Nụ cười này là của Bác tặng cho anh. Anh Văn vốn có vẻ mặt nghiêm nghị, khiến một số người mới gặp phải e ngại. Anh đã kể với tôi, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, anh làm việc ở Bắc Bộ Phủ, một hôm Bác nhìn anh, rồi hỏi:
- Sao chú Văn lúc nào cũng có vẻ mặt như đang giận ai ?
Từ đó anh hay cười. Nụ cười góp phần cho những buổi làm việc rất có hiệu suất.
Tôi đứng lên chào, rồi hỏi:
- Thưa anh, anh mới ở trong Thành về.
Anh nói:
- Có một vài việc phải giải quyết gấp, ngày mai tôi đi Liên Xô...
Tôi hơi bị bất ngờ. Vì mỗi lần thủ trưởng Bộ ra nước ngoài đều có một thời gian chuẩn bị, gần đây không thấy ai nói chuyện này.
Anh nói tiếp:
- Hôm vừa rồi, Quân y viện 108 phát hiện ở hàm tôi có một cái nhân. Điện hỏi ý kiến Liên Xô, bạn bảo cần sang ngay.
Tôi bàng hoàng. Nếu có chuyện không may đến với anh giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt...! Với cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, Tổng tư lệnh chính là linh hồn của quân đội.
Chị Bích Hà cũng ở phòng trong đi ra. Khác với mọi lần, đôi mắt chị lộ vẻ ưu tư. Tôi hỏi chị :
- Chị cũng đi với anh?
Chị nhè nhẹ gật đầu.
Người phục vụ mang ra ba bát chè sen nhỏ. Anh Văn chỉ ăn hết nửa bát. Chị Hà im lặng cầm bát chè của anh ăn tiếp. Anh Văn không nói gì về công việc. Tôi biết cuộc gặp không kéo dài, anh chị còn phải chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai.
Khi tôi sắp ra về, anh Văn chỉ vào miệng:
- Ở vị trí này, thường là rất nhanh. Nếu qua kiểm tra ở Liên Xô, đúng là có chuyện..., tôi sẽ bàn với anh làm gấp một đôi việc.
Tôi biết anh có điều muốn nhắn gửi lại cho mai sau.
Anh chìa tay cho tôi khi chia tay. Tôi lo lắng nắm tay anh:
- Cầu mong là sẽ không có chuyện gì...
Anh mỉm cười, nụ cười lúc nào cũng tươi, như để an ủi tôi.
Nhưng rồi chỉ vài tuần sau, anh đã trở về. Anh cho biết khi máy bay mới tới Tasken, địa đầu Liên Xô, một đoàn bác sĩ của bạn đã tới đón tại phi trường. Đồng chí trưởng đoàn chăm chú ngắm nhìn anh, rồi nhận xét: "Với thần sắc của Đại tướng, tôi cam đoan là không có chuyện đó". Và qua kiểm tra rất kỹ lưỡng, đúng là không có chuyện gì.
Chuyện này qua đi, không ai chú ý. Riêng tôi cứ nhớ mãi. Đây là lần đầu, tôi trực tiếp chứng kiến anh đối mặt với một "tai biến" (cũng may, đó chỉ là sự lầm lẫn). Sao một con người có thể thanh thản đến như vậy? Và sau này, tôi có dịp chứng kiến thái độ của anh trước những thử thách trong chiến tranh, trong cuộc sống, có trường hợp vượt quá sức chịu đựng của con người, anh đều có một thái độ cực kỳ bình thản. Nhưng, như lời anh nói: "Sau lúc đó, thì tôi mệt". Cái mệt chỉ đến sau với anh.
Đây là một đức tính rất lạ ở anh. Đức tính góp phần giúp anh vượt khó trong cuộc hành trình xuyên thế kỷ.

...

II
TRỞ LẠI ĐIỆN BIÊN


1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bước sang tuổi chín mươi hai. Những lần ông phải tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe qua mỗi năm càng gần nhau hơn. Ông nói vui với những người tới thăm: "Bảy mươi tính năm, tám mươi tính tháng, chín mươi tính ngày". Tuy vậy, ông vẫn có kế hoạch sẽ trở lại Mường Thanh nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Những tháng cuối năm 2003, bỗng nhiên, rộ lên những tin không lành về sức khỏe Tướng Giáp. Tin này được Văn phòng của Đại tướng ở Hà Nội và một số cơ quan có trách nhiệm dùng cách này hay cách khác cải chính. Lúc đó, ông đang tránh rét ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 29 tháng 12 năm 2003, báo VietNamNet đưa tin đại tướng và phu nhân đang thăm tỉnh Đồng Nai, ngài đô đốc Madhvendra Singh, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Ấn Độ, nhân dịp đến thăm và làm việc tại Việt Nam đã đến chào Đại tướng. Phóng viên còn đưa tin thêm, Đại tướng đã nói là có thể trở về chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ để cảm ơn đồng bào các dân tộc. Sau đó, phóng viên báo Tiền Phong Chủ nhật từ Hà Nội gọi điện vào thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp hỏi thăm sức khỏe đại tướng. Ông xuất hiện trên trang nhất với nụ cười tươi và câu trả lời in thành tít lớn: "Cảm ơn Tiền Phong, tôi vẫn khỏe". Nhưng dường như càng cải chính, những tin không lành lại càng được khẳng định, người ta cho rằng đây là cách trấn an dư luận của các cơ quan truyền thông trong khi chờ cuộc họp của Trung ương sắp diễn ra.

Chỉ đến 2 giờ 30 phút chiều ngày 3 tháng 3 năm 2004, khi ông xuất hiện trước ống kính của các hãng thông tấn và báo chí tại nhà riêng, số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội, những tin đồn quái ác này mới được dập tắt. Không biết những tin đồn xuất phát từ đâu. Đối với ông, sự có mặt trong dịp kỷ niệm nửa thế kỷ chiến thắng Điện Biên Phủ, chắc chắn là một niềm hạnh phúc lớn. Có vị chỉ huy trưởng chiến dịch nào, 50 năm sau, lại có may mắn trở lại chiến trường nơi đã diễn ra trận đánh "còn kinh hoàng hơn so với Waterloo" (*Nhận xét của Jules Roy trong cuốn La Bataille Dien Bien Phu) do mình chỉ huy, trận đánh ngày càng in đậm dấu ấn trong lịch sử võ công của dân tộc ? Không phải chỉ riêng ông, nhiều người đã có mặt tại chiến trường trong Đông-Xuân 1953-1954, và rất nhiều người thuộc những thế hệ sau cảm thấy sự xuất hiện của Đại tướng Tổng tư lệnh, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong lễ kỷ niệm là một niềm vui lớn. Không ai đi tìm hiểu nguồn gốc một dư luận, nhất là khi nó đã chứng tỏ chỉ là tin đồn thổi.

Sáng nay, trước lúc ăn đĩa xôi nóng để chuẩn bị lên đường, ông kể với bà về một giấc mơ đêm qua. Giấc mơ rất ngắn ngủi. Ông đang ngồi chơi ở vườn, ông chợt thấy một kẻ lạ mặt nhảy qua hàng rào, nhớn nhác nhìn trước nhìn sau rồi tiến lại căn phòng làm việc. Ông xông lại hỏi nó: "Mày muốn gì?" Nó lộ bộ mặt của kẻ gian. Ông cho nó một cái bạt tai, và nó cắm đầu chạy biến...

Bà nhớ từ rất lâu đã nghe ông kể một chuyện tương tự. Thời còn là thanh niên, một lần ông từ Vinh đi tàu vào miền Nam, mang theo trong va li một số tài liệu của đoàn thể. Đề phòng mật thám khám chiếc vali, ông đặt nó dưới gầm ghế cách chỗ mình ngồi một quãng. Một tên lưu manh đã nhận ra chiếc va li "vô chủ". Nó nhìn trước nhìn sau rồi nhích lại gần chiếc va li, cúi xuống toan xách đi. Ông bật đứng dậy, tiến lại trước mặt nó, trừng mắt hỏi:
- Mày định ăn trộm hả?
Tên lưu manh không dám cãi. Ông cho nó một cái tát. Hồi còn ít tuổi, ông có bộ mặt thư sinh, thân hình bé nhỏ, nhưng rắn chắc, và ông rất khỏe. Nhưng có thể là do ánh mắt của ông. Một nữ ký giả nước ngoài đến làm việc với ông, đã nhận xét: "Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một đôi mắt đẹp như vậy!". Nhưng khi ông giận dữ thì cặp mắt ấy trông thật đáng sợ. Tên lưu manh lủi mất. Ông lặng lẽ lui về chỗ mình ngồi. Những người chung quanh nhìn ông với vẻ thán phục thái độ một "cậu ấm" giữa đường gặp sự bất bằng. Ông chỉ mong không ai chú ý đến chiếc va li và hỏi chủ của nó. Chuyến đi của ông an toàn.

Bà hơi buồn cười vì trong giấc mơ, ông vẫn thấy mình như một thanh niên. Chính ông cũng có lần tự hỏi: Sao trong những giấc mơ chưa bao giờ thấy mình là một người già?

Lúc này, ông đã ngồi trên máy bay. Bộ Quốc phòng ưu tiên dành cho ông một chiếc máy bay trong dịp lễ trọng. Cuối cùng, ông quyết định không dùng máy bay quân sự, mà đi bằng máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. Suốt tháng qua, hãng máy bay này dành nhiều chuyến bay miễn phí để đưa những người đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ về thăm chiến trường cũ. Tôi giật mình khi nghe tin ông, bà, các con và rất nhiều cháu cùng đi chung trên một chiếc máy bay. Tôi có hỏi bà về chuyện này, bà nói đơn giản: "Không mấy khi có dịp, nên anh Văn và tôi cho các con, cháu cùng đi". Rồi bà mỉm cười nhắc lại câu bà thường nói: "Ở hiền gặp lành!". Có lẽ đúng thế. Ông đã nhiều lần gặp nguy hiểm, kể cả vì bệnh tật, nhưng cuối cùng vẫn gặp điều lành.

Năm mươi năm đã trôi qua. Những người gần gụi ông đều ngạc nhiên trước trí nhớ phi thường của ông. Hơn chín mươi năm, ông vẫn nhớ như in những bài vè mẹ và bà ru, những bài học chữ Hán từ thời vỡ lòng rất khó nhớ:
Ngô tổ Hồng Bàng thị
Triệu Thủy Kinh Dương Vương.
Tích kinh Bắc thuộc thì
Cựu sĩ dĩ nan vong...
Chi Lăng tẩu Tống binh
Bạch Đằng phá Nguyên sư...

Khi ông hỏi tên một vùng đất, một người nào thì không phải là do thói quen, càng không phải là một cử chỉ xã giao. Những thứ nhiều người thường dễ quên đó sẽ ở lại lâu dài trong bộ nhớ của ông. Dung tích của nó hẳn phải rất lớn, nên ông sử dụng một cách không cần tiết kiệm. Trong đó, những chi tiết về Điện Biên Phủ lúc nào cũng tươi rói.

Lúc này, ông đang nhớ tới một người Thái ở Mường Phăng.

Đó là một người dân địa phương, năm mươi năm trước được kết nạp vào du kích khi bộ đội mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh nằm trong số dân quân được phân công bảo vệ vòng ngoài sở chỉ huy chiến dịch. Anh chỉ nhìn thấy Đại tướng trong ngày lễ chiến thắng khi ông đi duyệt bộ đội diễu binh trên cánh đồng Mường Phăng. Bốn mươi năm sau ngày chiến thắng, Đại tướng trở lại Mường Phăng, anh du kích đã trở thành một ông già ngoài bảy mươi tuổi, khá tráng kiện, canh giữ và bảo vệ khu chỉ huy sở được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, đất, tre lá, đã gần như hóa thân giữa núi rừng. Tên anh là Lò Văn Bóng. Từ sau ngày mở chiến dịch, anh đã gắn bó với khu rừng này. Anh được nhân dân ủng hộ, nên suốt một thời gian dài, nhiều rừng núi chung quanh bị lâm trường, lâm tặc đốn trụi, thì khu sở chỉ huy chiến dịch vẫn giữ được màu xanh nguyên thủy.

Gần đây, con trai ông lên thăm Mường Phăng trở về nói, bác Bóng năm nay đã hơn tám mươi tuổi, vẫn là người bảo vệ khu sở chỉ huy. Ngày trước, bác được địa phương trợ cấp mỗi tháng năm trăm đồng. Số trợ cấp bây giờ là hai trăm nghìn đồng. Bác nói một cách hồn nhiên: "Thời xưa, năm trăm nghìn đồng mua được một con trâu, ngày nay giá con trâu là năm triệu đồng. Và số lương hai trăm nghìn bây giờ là của cả năm anh em cùng làm việc ở đây". Bà Bích Hà sau khi nghe chuyện đã gửi tặng bác Bóng một hộp sâm để tẩm bổ.

Ông đang tự hỏi không biết với suy nghĩ như thế nào mà một người dân Điện Biên đã dành trọn cuộc đời để bảo vệ khu rừng heo hút này...?


3

Ông nhìn qua cửa sổ máy bay núi rừng trùng điệp của Tây Bắc phía dưới. So với lần trước ông lên đây thì màu xanh cây cối đã thay thế cho màu cháy xám của những khu rừng. Cũng đã làm được khá nhiều. Lòng ông vui lên.
Đã mười năm ông mới trở lại miền đất này. Mỗi lần có người ở Điện Biên về, ông thường hỏi: "Điện Biên bây giờ như thế nào rồi ?". Ông đặc biệt chú ý đến công trình tôn tạo những di tích chiến tranh ở Điện Biên trong dịp kỷ niệm này. Ông đã dành thời gian, nghe ý kiến nhiều người để lựa chọn một tượng đài cho Điện Biên Phủ...
Cô chiêu đãi viên đi lại nói với Đại tướng:
- Thưa bác, máy bay sắp chuẩn bị hạ cánh.
- Đã tới rồi ư ?
Ông ngồi trên máy bay chưa kịp uống hết cốc nước mát.
- Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ có bốn mươi phút bay.
- Thảo nào hồi đó máy bay nó tới đánh mình nhanh thế !
Cô gái mỉm cười vì biết ông nói đùa.
Chiếc máy bay bắt đầu lượn vòng.
Ông chăm chú nhìn qua ô cửa máy bay. Con sông Nậm Rốm nho nhỏ màu ánh bạc, uốn khúc trên cánh đồng Mường Thanh đã qua mùa gặt hái, có khá nhiều ngôi nhà mới xây. Sân bay Mường Thanh dễ nhận ra nhất với con đường đôi chạy về thành phố Điện Biên Phủ.
Ông hỏi Hồng Nam, người con trai thứ hai, đã qua lại Điện Biên Phủ nhiều lần :
- Dãy đồi phía đông ở chỗ nào ?
Hồng Nam trỏ một dải rừng xanh rậm phía dưới như bị những ngôi nhà lố nhố chen lấn :
- Nó ở đây.
Ông mở to mắt ngạc nhiên :
- Bây giờ nó như thế này à ?

(còn tiếp)

Nhận xét

Unknown đã nói…
hay tuyet voi
thank ban nhieu :)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm