Cõi hạnh phúc của biển

.
Ngày trước cũng chẳng phải là yêu biển lắm. Nhưng giờ điểm lại, mình đi xuống biển nhiều hơn lên rừng.


...

Tôi còn nhớ cảm giác lần đầu tiên thấy biển. Từ cửa kính ôtô, đứa bé mười tuổi là tôi nhìn thấy một dải màu xanh như bức tường sừng sững. Biển xanh ngăn đôi với trời bằng đường thẳng như kẻ chỉ. Ồ, biển như là dựng đứng lên! Sau rồi tôi cũng biết đó là cảm giác của hầu hết những người lần đầu thấy biển.


Những ngày sau đó ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa là một cuộc đi chơi đủ thứ lạ. Hết ngụp lặn sóng biển rồi lăn lộn bãi cát, hết leo núi Cô Tiên, vào đền Độc Cước rồi sục sạo làng chài. Nghĩ lại thì cuộc đi biển thời bao cấp, đồ biển chỉ lèo tèo một ít, dịch vụ nghèo nàn, nhưng có niềm vui ban đầu mà những lần đi biển sau đã không còn. Dẫu vậy, ý niệm rằng biển vẫn là một thực thể to lớn nhất trên trái đất này, đầy lãng mạn và vượt khỏi khuôn khổ chế ngự của con người vẫn không thay đổi.


Có nhiều lý do để chọn một kỳ nghỉ mát ở biển. Lý do phổ biến nhất là đổi gió. Tắm biển với dân miền duyên hải là chuyện quá bình thường. Nhưng với dân thành phố sâu trong đồng bằng, đi tắm biển là một hành vi khá sang trọng và có thể xem như một cách vượt thoát khỏi nếp sống hối hả bon chen hàng ngày. Nói đến đi biển là cả một quá trình sắp xếp, chuẩn bị, và mong chờ. Có lẽ vì vậy mà biển trong tâm trí của người đi nghỉ như tôi luôn là những dãy khách sạn phơi mình dưới nắng sau hàng dừa, những phút thư giãn dưới chiếc ô đón gió biển, ngắm nhìn niềm vui của những người xung quanh. Nghĩa là biển bao hàm cả những phần dịch vụ, cộng thêm một góc cuộc sống với biển, thứ mà những người quanh năm suốt tháng mắc kẹt trong tắc đường thành phố, trong mớ công việc chật chội trước máy tính như tôi, đã phải chi tiền ra để hưởng.


Có một đêm tôi đi xe đến Thái Bình và tìm đường ra bãi biển Đồng Châu. Đi hết con đường huyện thì người dân bảo, đấy, bãi biển trước mặt. Ồ, những dãy chòi lá đứng trên cọc, ở dưới là những đợt nước sẫm mầu lặc lè rướn vào bờ cát. Trong ánh điện le lói, tất cả vẫn như một màu và mùi đồng đất quen thuộc của phù sa sông Hồng vừa bỏ lại sau lưng. Buổi sáng thức dậy, nhìn ra biển. Biển cà phê, biển nâu, bọt cũng chẳng trắng xóa. Biển Bắc Bộ nghèo và đơn sơ như những làng xóm lân cận. Những bãi biển khác cũng tương tự: Quất Lâm, Hải Thịnh chỉ như những hiên nhà nghèo, khá hơn có Đồ Sơn, nơi từng là chốn nghỉ của các tầng lớp thượng lưu thời Pháp thuộc. Người miền Bắc phải đi xa hơn về phía Đông, với những Cát Bà và khu vịnh Hạ Long nổi tiếng, để có được làn nước xanh. Nhưng một bãi biển lý tưởng có bờ cát dài phẳng lặng, soi ánh nắng pha lê như thơ Xuân Diệu thì phải là miền Trung quê ông.


Có lẽ nơi tôi từng thấy cát trắng nhất ở Việt Nam là Lăng Cô. Cát trắng mịn như đường, cho nên nước xanh biếc. Màu xanh Gôganh, màu xanh postcard của những xứ biển đảo san hô vòng, những lagoon nước hai ba màu Nam Thái Bình Dương tôi chưa biết. Nhưng tôi đã thấy màu xanh biển Phuket của Thái Lan. Có điều cát Phuket lại nhiều vỏ sò và đá, nên tôi nghĩ các khách du lịch nước ngoài vẫn tìm đến những bãi biển ít tiện nghi hơn của Việt Nam là vì bờ cát phẳng miên man suốt hơn nghìn cây số miền Trung.


Tôi có người bạn có một ngôi nhà đẹp bên biển Hội An, nằm ở bãi An Bàng gần Cửa Đại. Ngôi nhà cổ mang từ nơi khác về dựng lại. Chủ nhân nhất quyết không xây bể nước trên cao, mà mỗi lần dùng phải cắm máy bơm. Để giữ nguyên cái vẻ nhập cuộc với tự nhiên, chủ nhà đã phải tốn kém hơn bình thường: từ mái lá cọ cho đến tấm phản gỗ, từ dây hoa muống biển bò trên lớp cát dưới chái nhà cho đến khóm tre ở sân sau nhìn ra biển. Tất cả có lẽ vì mục đích tìm một sự thích ứng với bản địa, để cuộc sống trong mỗi lần ra đây dù chỉ vài ngày, cũng là một công phu để thưởng thức. Đấy là cách nghỉ ở biển của bạn tôi. Còn những người khác, chọn một cách nghỉ ngơi trọn gói trong các resort, nơi bể bơi nằm sát bờ biển, nước ngọt trong veo cách mép nước mặn vài sải tay, ly cocktail đặt hờ hững bên thành bể, như vẫn thấy trên phim ảnh du lịch. Có lẽ chẳng cảnh tượng nào công thức đến sáo mòn như hình ảnh resort ở biển: nước xanh, cát trắng, cây dừa nghiêng, quán bar êm ái dưới mái lá và da thịt rám nắng phô bày trên ván lướt sóng. Nhưng có như thế thì mới làm đám người khổ sở nơi xe với người chen nhau chỗ sinh tồn an tâm rằng một thiên đường hạ giới là có thực. Cũng có những người lại thích khám phá những vùng biển hoang vu, chấp nhận lênh đênh hàng giờ say sóng trên tàu thủy để hưởng vài đêm đèn điện le lói chạy bằng máy nổ ở đảo Vân Đồn, Cô Tô vùng Bái Tử Long hay Lý Sơn, Quảng Ngãi. Nhưng chắc chắn là biển có ưu thế hơn những hình thái địa lý khác ở khả năng thu nạp dường như vô tận những nhu cầu du lịch của con người. Biển như một nhà nước cộng hòa không phân chia chủng tộc và đẳng cấp.


Biển to lớn và mênh mông vậy, nhưng lại có vẻ chỉ thành thiên đường nếu đi có đôi. Đi biển không nên đi đông mà cũng chẳng nên đi một mình. Cái cảnh đi nghỉ mát tập thể gây ấn tượng về một thứ thư giãn có tính tiết kiệm, chia sẻ khoản đóng góp, mà đã đi là ai cũng tranh thủ dắt cả gia đình theo. May mà biển là chốn dễ dàng thích nghi cho tất cả, nhưng biển không phải chốn hành hương nên lũ lượt theo nhau ra chỉ làm quá tải và kẻ thiệt thòi nhất là chúng ta. Khi ấy, giá cả đắt kinh hoàng và việc hưởng thụ trở thành cạnh tranh. Tự nhiên ta thấy mình là những kẻ góp phần biến bãi biển thênh thang thành đường phố chật chội. Chả vì thế mà có những đại gia trên thế giới có khi mua nguyên một hòn đảo giữa đại dương làm nơi thư giãn. Ở Việt Nam, những hòn đảo cao cấp và biệt lập như Tuần Châu hay Vinpearl tuy cũng chưa đến mức chỉ cho công tướng khanh hầu nhưng đã tạo ra một ý niệm cho những ai cần tắm biển trong khung cảnh hoàn hảo tuyệt đối.


Biển là thấu kính phóng đại cảm xúc và nhu cầu con người: từ ăn uống những thứ ít khi ăn, nhậu nhẹt nhiều hơn, cho đến vui chơi nhiều hơn. Ra đến biển là con người ta như tham lam và dạn dĩ, muốn nếm trải các cung bậc cảm xúc cũng như vật chất mà nhịp sống bình thường khuất lấp. Cái công thức đầy ngoại vi nổi tiếng 3S cũng là vì hàm ý đó: Sea, Sun và Sex. Mới nghe thì thấy công thức sặc mùi dân da trắng này hơi hàm hồ ở chỗ có vẻ xóa nhòa đặc trưng vùng miền, đánh đồng giá trị chỉ quanh quẩn ba khái niệm hơi bị thực dụng và “phàm tục”. Nhưng quả là ba thứ đó bao trùm tất cả: Sea – là tất cả những gì liên quan đến quang cảnh, bãi tắm và mặt nước; Sun - thời tiết và đương nhiên, nắng ấm nhiệt đới là nhất. Nhưng còn cái thứ ba đầy nhạy cảm kia, nhất là với dân Á Đông thì có vẻ sỗ sàng quá? Ồ, nhưng mà có lẽ trong cách nói táo tợn của cái anh chàng châu Âu nào đầu tiên đề ra quy tắc tam duy nhất đó thì Sex còn là những gì phóng túng hơn đời thường, là niềm mê say, là sự gợi cảm của thân thể ở nơi da thịt phô bày nhiều nhất. Mà thôi hãy nói thẳng, chúng ta cất công lựa chọn quần áo tắm và sửa soạn công phu hình dáng cũng là vì muốn tự tin về cái sex appeal của mình. Đi ra bãi biển mà thấy một bộ ngực nở, một cặp giò đẹp, tự nhiên ta cảm nhận biển đẹp hơn nhiều!


Bây giờ những thứ như đi tàu đáy kính hay lặn biển xem san hô đã hơi bị phổ biến, vịnh Nha Trang rồi Vĩnh Hy cũng có. Con người hiện đại tuy chưa đến mức khinh bạc với đời như kiểu Hemingway câu cá mập làm vui, nhưng cũng đã vùng vẫy mọi cách để dùng hết công suất những ngày nghỉ. Tôi còn nhớ ấn tượng của lần đi dù bay ở hòn Tằm, Nha Trang. Chiếc dù đeo vào sau lưng, còn thắt lưng được nối với cáp mắc vào canô. Chiếc canô rẽ sóng, tôi lấy đà chạy chạy trên cát và một, hai, ba, cái dù nâng bổng tôi lên cao vài chục mét. Cảnh tượng bên dưới tuyệt đẹp. Bãi cát vàng lẫn vào làn nước xanh giữa những mỏm núi đá. Có bao nhiêu là màu xanh! Xanh lơ nhạt của đợt nước gần mép bờ cát. Xanh biếc của lớp nước ngoài xa. Xanh lục của núi đá đầy cây và rêu. Xanh da trời làm nổi lên những tầng mây trắng xốp. Và xanh tím của mặt nước đằng xa tít ngoài khơi dưới nắng chiều. Khoảnh khắc chưa đầy năm phút đồng hồ của màu sắc, ánh sáng và gió ập vào mắt, vào ngực, để rồi khi đáp xuống cát là vẫn còn rõ mồn một những sắc xanh.


Trong chuyến đi biển gần đây nhất, khi ngồi trên máy bay từ Hà Nội, khi mải mê ngắm con sông Hồng uốn lượn bên dưới, tôi ngạc nhiên khi loáng cái đã nhìn thấy cửa Ba Lạt với dải phù sa tuôn ra biển đến hàng cây số. Kìa, bờ biển đất nước mình cong cong, kia là Sầm Sơn, hòn Mê, rồi mặt vịnh Bắc Bộ xanh lấp lóa nắng. Trong dải cát màu trắng suốt mấy trăm cây số kia, là nơi biết bao người đang tìm kiếm hạnh phúc trước một cõi tưởng như vô tận.


Nguyễn Trương Quý

JS số 5-6/2009

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm